“Mắt thần” của CSGT
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết: “Nếu trước kia duy trì trật tự giao thông cần sự hiện diện của cán bộ, chiến sĩ CSGT ngoài hiện trường thì hiện nay, công nghệ có thể làm được điều đó - không mệt mỏi, không thiên vị và hoạt động liên tục 24/24 giờ.”
Để thực hiện mục tiêu này, Cục CSGT tiến tới sẽ có “Phòng Quản lý khai thác dữ liệu và chuyển đổi số” - được xem là trung tâm cấp 1, và tương lai không xa sẽ triển khai 34 trung tâm tại các tỉnh, thành kết nối với nhau đồng bộ.
Trong đó, hệ thống đầu não tại Cục CSGT sẽ tiếp nhận và xử lý toàn bộ dữ liệu từ các thiết bị giám sát giao thông. Mô hình này được xây dựng nhằm bảo đảm việc giám sát, xử lý và điều hành giao thông được thực hiện một cách đồng bộ, chính xác và khách quan.
Cảnh báo vi phạm gửi tài xế
Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, hệ thống mới sẽ hướng tới ba mục tiêu lớn. Đầu tiên là việc quản trị lực lượng CSGT trên môi trường điện tử hiệu quả. Bởi trung tâm có thể biết được chính xác từng phương tiện tuần tra đang ở đâu, tình trạng hoạt động thế nào, tổ công tác nào đang làm nhiệm vụ tại các vị trí cụ thể.
Thứ hai là cung cấp dịch vụ công thông minh cho người dân. Ví dụ việc cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) sẽ chỉ cần kiểm tra thông tin sức khỏe thông qua kết nối dữ liệu y tế, sau đó cấp bản điện tử nhanh chóng qua ứng dụng VNeID, không cần nộp hồ sơ giấy như trước, giảm được các khoản lệ phí.
Cuối cùng là việc tương tác hai chiều giữa CSGT và người dân, người dân có thể tra cứu thông tin vi phạm, gửi hình ảnh hiện trường, phản ánh bất cập giao thông qua ứng dụng di động; đồng thời cũng được cung cấp thông tin chính xác, kịp thời nhất về tình trạng giao thông để có tuyến đường đi tốt nhất một cách miễn phí thông qua ứng dụng CSGT.
Hiện nay, Cục CSGT đang phát triển một điểm đột phá khác là thiết bị cầm tay tích hợp AI dành cho cán bộ CSGT. Trong tương lai, CSGT sẽ không còn yêu cầu “xuất trình giấy tờ xe”, mà chỉ cần hỏi số căn cước của tài xế. Hệ thống sẽ tự động hiển thị toàn bộ thông tin liên quan đến người điều khiển phương tiện, bao gồm: GPLX, bảo hiểm, đăng kiểm, lịch sử vi phạm… giúp loại bỏ hoàn toàn tình trạng làm giả giấy tờ.
Điều này đồng nghĩa với việc khi tham gia giao thông, tài xế chỉ cần mang theo căn cước công dân. Tất cả giấy tờ còn lại đều được số hóa, đồng bộ trong hệ thống dữ liệu quốc gia. Đây là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho người dân.
Trung tâm thông tin chỉ huy Cục CSGT
Không chỉ quản lý người, hệ thống còn đảm nhiệm xử lý vi phạm một cách tự động. Trong giai đoạn đầu, các camera AI được lắp đặt trên một số tuyến đường trọng điểm sẽ ghi lại hình ảnh vi phạm. Sau khi xác định rõ hành vi, dữ liệu vi phạm sẽ được trích xuất và gửi trực tiếp đến chủ phương tiện thông qua ứng dụng VNeTraffic. Khi hệ thống hoạt động ổn định, giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai trên diện rộng, lắp đặt các thiết bị camera sắc nét và thông minh hơn, tiến tới hình thành “CSGT điện tử toàn diện”.
Đại úy Phạm Văn Cương, cán bộ Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát đường bộ và đường sắt, cho biết cán bộ làm việc tại Trung tâm thông tin chỉ huy 24/24, có nhiệm vụ kiểm tra thông tin vi phạm trên các tuyến cao tốc, đối soát với các dữ liệu liên quan như đăng ký xe, xử lý vi phạm, tai nạn giao thông, đăng kiểm, thông tin chủ xe để xác minh, bổ sung dữ liệu để gửi cảnh báo đến chủ phương tiện thông qua ứng dụng VNeTraffic trong vòng 2 giờ.
Như vậy, đối với tài xế đã cài đặt ứng dụng VneTraffic có thể nhanh chóng nhận được cảnh báo về hành vi vi phạm. Hiện nay, Cục CSGT đã triển khai thí điểm gửi cảnh báo vi phạm trên 4 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương.
Kết nối dữ liệu khổng lồ
Nếu camera AI là “mắt thần” của lực lượng CSGT hiện đại, thì Trung tâm chỉ huy thông tin giao thông chính là “bộ não” điều khiển toàn bộ hệ thống. Bởi đây là nơi tiếp nhận, phân tích và xử lý khối lượng lớn dữ liệu từ khắp các tuyến giao thông trên cả nước.
Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, trung tâm này có khả năng kết nối với hàng loạt cơ sở dữ liệu lớn: đăng ký xe, đăng kiểm, y tế, thuế, hải quan và các cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an. Nhờ sự liên thông này, việc xác định chủ xe, hành vi vi phạm có thể được thực hiện chỉ trong thời gian ngắn.
Theo Đại tá Phạm Quang Huy, hiện trí tuệ nhân tạo AI có thể nhận diện khoảng 20 hành vi vi phạm phổ biến, bao gồm vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, lấn làn, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều... Hệ thống này đang tiếp tục được mở rộng để nhận diện cả các hành vi nguy hiểm khác, đồng thời phân loại theo mức độ nghiêm trọng để ưu tiên xử lý.
Trung tâm còn hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tra tai nạn giao thông. Trong trường hợp tài xế gây tai nạn rồi bỏ trốn, chỉ cần vài thông tin mô tả từ nhân chứng như màu xe, loại xe, hướng di chuyển…, hệ thống sẽ lọc toàn bộ dữ liệu xe lưu thông qua tuyến đường tại thời điểm đó. Chiếc xe khả nghi nhất sẽ được đưa vào phân tích, trích xuất lộ trình di chuyển trên bản đồ số một cách chính xác, từ đó phục vụ điều tra.
Cục CSGT khuyến cáo người dân nên chuyển quyền sở hữu đầy đủ khi mua bán phương tiện. Bởi trong hệ thống điện tử mới, thông báo xử phạt sẽ được gửi đến đúng chủ phương tiện theo đăng ký.
Không dừng lại ở đó, hệ thống giám sát còn phát hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng, như tụ tập đông người, mang vũ khí, nhận diện đối tượng truy nã… Toàn bộ công tác từ phát hiện, phân tích đến lập biên bản đều được tự động hóa, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của con người, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Với mục tiêu số hóa toàn bộ quy trình xử phạt, người vi phạm sẽ không cần đến trực tiếp cơ quan chức năng. Sau khi xác nhận hành vi vi phạm qua thiết bị chuyên dụng, toàn bộ thông tin sẽ được đồng bộ lên hệ thống, liên kết với cổng dịch vụ công, ngân hàng và kho bạc. Người vi phạm có thể nộp phạt thông qua cổng dịch công hoặc ngân hàng, hoàn toàn có thể ngồi ở nhà xử lý.
Bên cạnh đó, ứng dụng VNeTraffic đang trở thành kênh kết nối chính thức giữa người dân và CSGT. Ứng dụng tích hợp 4 chức năng chính như cập nhật thông tin giao thông (theo dõi tình trạng ùn tắc, sự cố theo lộ trình); tra cứu vi phạm (kiểm tra biển số xe để biết có bị phạt nguội hay không); tra cứu đấu giá biển số (theo dõi thông tin biển số đang được đấu giá); phản ánh vi phạm (người dân gửi hình ảnh, clip các hành vi vi phạm giao thông để CSGT xác minh và xử lý).
Tại Hà Nội, Công an TP Hà Nội triển khai hệ thống camera AI với nhiều tính năng hiện đại như quay quét 360 độ, nhận diện rõ sự vật, hiện tượng, đối tượng ở khoảng cách xa 500-700m; hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, môi trường khắc nghiệt, có các tính năng cảnh báo tụ tập đám đông, nhận diện đối tượng; quản lý giao thông đô thị thông minh, tự động điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông theo thời gian thực; có thể tạo hiệu ứng “làn sóng xanh”; tự động nhận diện, cập nhật các phương tiện vi phạm trên hệ thống; cảnh báo về vi phạm môi trường, vỉa hè... hướng đến hạn chế thấp nhất lực lượng CSGT phải trực tiếp chỉ huy giao thông. Hiện đơn vị đang triển khai hệ thống 1.837 camera AI thứ 2.