Đời sống

Chuyển 400.000 xe xăng sang xe điện: TPHCM tung loạt chính sách hỗ trợ ‘chưa từng có’

Admin

Từ miễn lệ phí trước bạ, hoàn thuế theo từng chuyến xe đến vay vốn không cần thế chấp… TPHCM đang tung loạt chính sách “chưa từng có” nhằm hỗ trợ người dân, nhất là tài xế công nghệ, giao hàng chuyển từ xe máy xăng sang xe điện mà không phải bỏ thêm chi phí ban đầu.

Nắm cơ hội

Hơn 10 năm lăn lộn với nghề xe ôm truyền thống, anh Trần Văn Hoàng (45 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đã chuyển sang làm tài xế công nghệ bằng xe máy điện từ gần một năm nay. Lúc đầu cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ, băn khoăn nhưng chỉ sau ít ngày, anh đã quen với chiếc “cần câu cơm” mới toanh này.

“Mỗi ngày tôi chạy 100 cây số, trước kia đổ xăng mất hơn 120.000 đồng. Giờ sạc điện chỉ tốn chưa đến 20.000 đồng. Ban đầu cũng lo sợ hết điện giữa đường, nhưng giờ thì quen, biết canh giờ sạc nên chạy cả ngày vẫn ổn” - anh Hoàng chia sẻ.

Cửa hàng kinh doanh xe điện nhộn nhịp hơn trong thời gian gần đây

Nắm bắt thực tế ấy, Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM (HIDS) cho biết, vừa hoàn tất đề án chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện trình UBND TPHCM, trong đó tập trung vào nhóm tài xế công nghệ, giao hàng.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc HIDS) cho rằng: “Chúng tôi xây dựng đề án để người lao động có thể chuyển đổi mà không phải bỏ thêm tiền. Chính phần tiết kiệm từ xăng sẽ dùng để trả góp xe điện, mỗi tháng vài trăm nghìn là xong”.

Theo khảo sát của HIDS, nhóm tài xế công nghệ và giao hàng vốn chiếm phần lớn lưu lượng xe máy dịch vụ ở TPHCM có mức di chuyển từ 80 - 120km/ngày. Chi phí nhiên liệu xăng thường dao động 70.000 – 100.000 đồng/ngày. Nếu chuyển sang xe điện, con số này chỉ còn khoảng 20.000 đồng, tức mỗi tháng tiết kiệm được 1 – 2 triệu đồng.

Để thực hiện đề án này, TPHCM sẽ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đột phá. Đầu tiên là miễn lệ phí trước bạ, biển số, giấy chứng nhận xe điện lần đầu trị giá khoảng 3 triệu đồng/xe. Bên cạnh đó, người dân mua xe điện sẽ được hoàn thuế VAT theo từng chuyến xe (khoảng 6.400 đồng/chuyến trị giá 80.000 đồng), điều chưa từng có trước đây.

Về tài chính, thành phố phối hợp với Tổ chức tài chính vi mô CEP và nhiều ngân hàng để triển khai gói vay mua xe điện kỳ hạn 24 – 30 tháng với lãi suất thương mại khoảng 8%. Riêng TPHCM sẽ hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất từ ngân sách.

Sự kiện "đổi xe xăng lấy xe điện" thu hút đông đảo khách hàng, đặc biệt là giới tài xế

Đại diện lãnh đạo CEP cho biết, đã thiết kế gói vay linh hoạt, không yêu cầu thế chấp, trả nợ tự động qua ứng dụng tài xế . Thậm chí với người khó khăn, còn được hỗ trợ giảm thêm lãi suất. “Chúng tôi nhắm đến đúng đối tượng cần giúp là người chạy xe mưu sinh. Với những trường hợp khó khăn, chúng tôi còn giảm thêm lãi suất để đồng hành cùng họ” - đại diện CEP cho biết.

Định giá, đổi xe trong 15 phút

Song song với vay vốn, TPHCM còn đề xuất chương trình đổi xe xăng cũ lấy xe điện mới. Các doanh nghiệp như VinFast, Selex, Dat Bike… sẽ trực tiếp thẩm định xe xăng cũ, định giá nhanh trong 15 phút và khấu trừ thẳng vào giá bán xe mới.

Theo ông Lê Thanh Hải, một chiếc xe xăng cũ trung bình được định giá khoảng 8 triệu đồng, tương đương 25% giá xe điện. Phần còn lại, tài xế có thể trả góp trong 2 năm bằng số tiền tiết kiệm được từ xăng.

Quy trình đổi xe rất minh bạch: tài xế nộp xe tại đại lý hoặc điểm thu gom, thông tin cập nhật qua hệ thống điện tử EV-Switch. Xe cũ sau đó được tái chế đúng chuẩn môi trường. Những linh kiện như khung, mâm có thể tái sử dụng, các doanh nghiệp tái chế phải đạt tiêu chuẩn ISO 14001.

TPHCM sẽ tung nhiều hỗ trợ "chưa từng có" để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện

TPHCM hiện có hơn 600 trạm sạc công cộng (chủ yếu của VinFast) và 50 điểm đổi pin nhanh (Selex). Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2028 có 3.000 trạm sạc, bố trí tại cây xăng, bãi xe, công viên và chung cư. Đồng thời, chính quyền phối hợp với ngành điện để nâng cấp lưới điện, khuyến khích sạc vào giờ thấp điểm và sạc từ điện mặt trời.

“Chúng tôi không để người dân mua xe rồi lại khổ vì không biết sạc ở đâu. Thành phố đang phối hợp doanh nghiệp đầu tư thêm sạc nhanh, đổi pin và cả dịch vụ thuê pin dự phòng theo giờ” - đại diện Sở Công Thương TPHCM khẳng định.

Thành phố cũng tính đến việc bán tín chỉ carbon từ lượng khí thải tiết kiệm được, dùng nguồn thu để thành lập Quỹ tín dụng chuyển đổi xanh , tiếp tục hỗ trợ tài xế, doanh nghiệp tái chế và đầu tư hạ tầng xe điện.

Nhằm hưởng ứng mô hình “giao thông xanh” của TPHCM, nhiều hãng gọi xe như Grab, Be Group, Ahamove đang rốt ráo triển khai kế hoạch chuyển đổi.

Grab hiện có khoảng 200.000 tài xế ở Việt Nam, đã bắt đầu chiến dịch “Sắm xe điện, một triệu thưởng về tay” hợp tác với Dat Bike. Các tài xế xe máy được hỗ trợ vay mua xe điện qua công ty tài chính GFin. Với mức tiết kiệm 3,2 triệu đồng/tháng khi dùng xe điện, tài xế có thể trả góp và còn dư tiền mỗi tháng.

Be Group cũng đặt mục tiêu chuyển đổi 3.000 tài xế BeBike sang xe điện trong hai năm đầu. Be liên kết với BYD và Selex để cho thuê hoặc bán xe với giá ưu đãi, hỗ trợ trả góp qua ứng dụng bePartner và ngân hàng VPBank.

Ahamove chuyên giao hàng B2B cũng vừa tiếp nhận 300 chiếc xe máy điện đầu tiên từ Selex Camel, tiến tới triển khai 1.000 xe trong năm 2025. Đại diện Ahamove nói rằng, cần hệ thống đổi pin nhanh và phần mềm quản lý pin thông minh. Nếu chính quyền hỗ trợ hạ tầng tốt, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi nhanh chóng.

Từ miễn lệ phí trước bạ, hoàn thuế theo từng chuyến xe đến vay vốn không cần thế chấp… TPHCM đang tung loạt chính sách “chưa từng có” nhằm hỗ trợ người dân, nhất là tài xế công nghệ, giao hàng chuyển từ xe máy xăng sang xe điện mà không phải bỏ thêm chi phí ban đầu.