Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đến năm 2024, cả nước có khoảng 75 triệu xe máy xăng trong khi mới có khoảng 3 triệu xe máy, xe đạp điện.
Tâm lý người tiêu dùng thay đổi
Mặc dù đã hình thành hàng chục năm qua nhưng thị trường xe điện đến nay vẫn chưa đủ sức hút để người dân chuyển đổi sang phương tiện này. Tuy nhiên, chủ trương dần hạn chế phương tiện xăng nhằm góp phần đạt mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) cùng chính sách hỗ trợ hợp lý từ phía nhà nước có thể là cú hích lớn cho thị trường xe điện.
Theo Chỉ thị 20/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, từ ngày 1-7-2026, TP Hà Nội sẽ không cho phép mô tô, xe máy chạy xăng di chuyển trong đường Vành đai 1. Từ đầu năm 2028, phạm vi hạn chế mở rộng sang đường Vành đai 2 và đến năm 2030 là đường Vành đai 3.
Sức mua xe máy điện tại các đô thị lớn dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới
Để thực hiện lộ trình trên, TP Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy xăng của người dân sống trong đường Vành đai 1. Đồng thời, xem xét hỗ trợ lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe; bổ sung quy hoạch khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.
Tương tự, TP HCM cũng đang nghiên cứu giải pháp phân vùng, ưu tiên xe năng lượng xanh, bao gồm hạn chế ô tô, xe máy xăng, dầu tại khu vực trung tâm thành phố, đặc khu Côn Đảo, Cần Giờ (cũ). Bên cạnh đó, dự thảo đề án chuyển đổi 400.000 xe máy công nghệ chạy xăng sang chạy điện do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM soạn thảo đã đề xuất từ ngày 1-1-2026, không cho xe máy xăng đăng ký mới trên các nền tảng xe công nghệ. Đến cuối năm 2029, cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng này.
Trước động thái của các đô thị lớn, tâm lý người tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng chủ động thích ứng. Ông Hoàng Xuân Hùng - chủ cửa hàng xe máy tại phường Bình Trưng, TP HCM - cho biết người tiêu dùng thời điểm này có tâm lý muốn lựa chọn một loại phương tiện phù hợp để sử dụng lâu dài, tránh mua xe chưa bao lâu đã phải chuyển đổi. Do đó, không ít người bắt đầu ngại ngần, không muốn mua xe máy xăng.
Tại Hà Nội, người dân cũng cân nhắc chuyển đổi dần sang phương tiện chạy điện, nhất là những người sống ở khu vực sớm áp dụng quy định hạn chế xe xăng.
Từ tín hiệu tích cực trên, các nhà sản xuất, lắp ráp xe máy điện có thể yên tâm tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhà máy sản xuất xe máy điện của VinFast có công suất thiết kế 250.000-500.000 xe/năm, có thể tăng lên 1 triệu xe/năm. Trong khi đó, Nhà máy Yadea Việt Nam có công suất thiết kế 500.000 xe/năm, Selex Motors là 200.000 xe/năm, Dat Bike 100.000 xe/năm, Pega 50.000 xe/năm... Theo tính toán, quy mô sản xuất của các nhà máy xe điện trong nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu tăng cao.
Ngoài ra, hãng xe máy Yamaha, Honda... cũng mở bán ra thị trường một số mẫu xe máy điện. Diễn biến mới trên thị trường có thể thúc đẩy các hãng khác như Piaggio, Suzuki, SYM... mạnh dạn tham gia thị trường xe máy điện trong thời gian tới.
Hãng xe điện so kè
Mặc dù lộ trình hạn chế xe xăng tạo cú hích cho thị trường xe điện song không phải hãng xe nào cũng đủ tiềm lực để cạnh tranh.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, cho rằng các doanh nghiệp (DN) xe máy điện không chỉ đứng trước cơ hội lớn mà còn đối mặt thách thức không nhỏ. Để phổ cập xe máy điện, cần sự sẵn sàng từ phía nhà sản xuất và người tiêu dùng, bên cạnh sự đầu tư đúng mức của nhà nước về hạ tầng trạm sạc. "Ngoài việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, DN còn phải hỗ trợ người tiêu dùng mua được xe với mức giá hợp lý" - ông Tân góp ý.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Tổng Giám đốc Selex Motor, sức mua xe máy điện sắp tới chắc chắn sẽ tăng cao nên DN phải huy động mọi nguồn lực để mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu. Tuy nhiên, DN nhỏ sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất, khó cạnh tranh với DN lớn nếu không có chính sách ưu đãi từ Chính phủ. "Chưa kể, nhiều DN sản xuất xe máy điện trong nước còn chưa sẵn sàng, chưa có hệ sinh thái đầy đủ. Hệ quả là dẫn tới nguy cơ xe máy điện Trung Quốc tràn sang chiếm lĩnh thị trường" - ông Nguyên lo ngại.
Ông Phạm Chinh, chuyên gia thị trường, lưu ý khi chuyển đổi cần bảo đảm quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Lâu nay, người dân đã quen với thị trường xe máy xăng khá cạnh tranh, có nhiều lựa chọn trong khi xe máy điện còn ít lựa chọn và giá khá cao. Ông cũng cảnh báo khả năng giá xe máy điện tăng lên khi nhu cầu tăng cao, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
ThS Trần Anh Tùng, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, góp ý cần có chính sách hỗ trợ tín dụng, trợ giá hoặc khuyến khích tài chính phù hợp để giảm gánh nặng cho người dân ở các thành phố lớn, nơi xe máy vẫn chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng số phương tiện cá nhân. Với nhóm xe công nghệ, việc chuyển đổi phương tiện đòi hỏi sản phẩm xe máy điện có đủ sức bền và tải trọng để vận chuyển người, hàng hóa trong thời gian dài. Song song đó là cải tiến công nghệ pin để rút ngắn thời gian sạc, hạn chế ảnh hưởng đến số đơn hàng và doanh thu của tài xế.
Xuất hiện hệ sinh thái "ăn theo"
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều quán cà phê, quán ăn đã mở thêm dịch vụ sạc xe máy điện nhằm hoàn thiện tiện ích để thu hút khách và đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện điện đang bắt đầu tăng. Giá sạc xe máy điện dao động 10.000-20.000 đồng/lần sạc, có quán miễn phí sạc nhằm thu lại từ các dịch vụ khác khi lượng khách hàng tăng lên.
Bên cạnh đó, thị trường phụ kiện cho xe máy điện cũng đang hình thành với các mặt hàng như cáp sạc di động, hộp pin dự phòng, giá treo sạc... được các nhà phân phối xe và sàn thương mại điện tử mở bán. Một số start-up công nghệ còn phát triển ứng dụng giúp người dùng tìm trạm sạc gần nhất, quản lý mức pin, dự báo thời gian sạc...