DOANH CHỦ

Dự án "không được phép chậm trễ" và ước mơ công nghệ lõi made by Vietnam thay đổi cuộc sống của người Việt

Admin

Nhiều ngày dốc toàn lực làm việc từ 6h sáng hôm trước đến 1, 2h sáng hôm sau, các nhóm công tác của GeneStory đã thu thập được 51.000  mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.  Hầu hết các gia đình đã chờ người thân hơn nửa thế kỷ.

Giáo sư Vũ Hà Văn, Chủ tịch và Nhà sáng lập; Tiến sĩ Dương Ngọc Cường, Tổng Giám đốc;  Tiến sĩ Võ Sỹ Nam, Giám đốc Khoa học & Công nghệ, kiêm đồng sáng lập GeneStory đã có cuộc trò chuyện đầy cảm xúc với chúng tôi về “Ngân hàng ADN liệt sĩ” và những dự án xã hội khác của GeneStory, được thực hiện với mục tiêu lớn: làm chủ công nghệ lõi, giúp cuộc sống của người Việt tốt đẹp hơn.

“Tôi nhớ mãi gương mặt rạng ngời của mẹ khi biết có thể tìm được con về”

Ngọc Minh: Dự án giải mã ADN để tìm danh tính cho các liệt sĩ của GeneStory đã ra đời như thế nào?

GS. Vũ Hà Văn: Như bạn biết, cả nước có hơn 1 triệu liệt sĩ, và đến nay vẫn còn rất nhiều gia đình chưa tìm được phần mộ người thân. Ước tính có khoảng 300.000 ngôi mộ liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Trong khi đó, các gia đình liệt sĩ đã đi tìm thân nhân ít nhất là 50 năm qua.

Nếu chỉ tiếp tục theo cách truyền thống như đồng đội đi tìm, hoặc nhờ ngoại cảm… thì mỗi năm chỉ xác minh được một số ít trường hợp. Với tốc độ như vậy, việc xác định được danh tính cho toàn bộ 300.000 mộ vô danh sẽ kéo dài rất lâu, có thể vượt quá sức chờ đợi của nhiều gia đình.

Chúng tôi tin rằng việc ứng dụng công nghệ vào tìm thân nhân liệt sĩ là điều hoàn toàn khả thi – và quan trọng hơn cả, đây là công việc cần thiết, cấp bách, bởi thời gian không còn nhiều.

Ngọc Minh: Điều gì là khó khăn nhất khi thực hiện dự án này?

GS. Vũ Hà Văn: Đương nhiên là có nhiều khó khăn. Trong dự án này, có hai phần việc. Phần lấy mẫu giải mã ADN thân nhân các liệt sĩ do GeneStory phụ trách; phần lấy mẫu và giải mã ADN từ các hài cốt liệt sĩ do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.

Phần việc của GeneStory lấy mẫu từ gia đình liệt sĩ không hề đơn giản, vì sau hơn 50 năm, nhiều người trong dòng mẹ đã mất hoặc tuổi đã cao. Những người thân trực hệ như anh, chị, em ruột của liệt sĩ có thể đã chuyển đi nơi khác. Việc lấy mẫu cần được thực hiện thật nhanh, bởi nếu để thêm 10 năm nữa thì nguy cơ không thể tìm được thân nhân là rất lớn.

GeneStory đã huy động tối đa nguồn lực sẵn có để triển khai nhanh nhất có thể. Trong vòng chưa đầy 1 năm, chúng tôi đã thu được hơn 51.000 mẫu gen từ thân nhân, trên tổng số hơn 1 triệu mẫu cần lấy. Riêng tại Hà Nam và Thanh Hóa, chúng tôi đã hoàn tất việc thu mẫu dòng mẹ và thực hiện giám định ADN.

Một nửa phần việc còn lại, lấy mẫu từ các hài cốt liệt sĩ đang do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện. Sau khi hoàn tất, dữ liệu sẽ được đối chiếu để xác định danh tính. Một tin rất vui là hiện đã có 16 trường hợp hài cốt liệt sĩ được xác định và chuẩn bị đưa về với gia đình từ các mẫu đã thu.

Tôi tin con số này sẽ còn tăng lên rất nhanh nếu cả hai phần, giám định ADN hài cốt và thân nhân, tiếp tục được triển khai đồng bộ. Đây là điều mà Việt Nam rất mong muốn làm được, để tri ân các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc.

Ngọc Minh: Để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ này, GeneStory đã huy động nguồn lực như thế nào?

TS. Dương Ngọc Cường: Chúng tôi xác định đây là một dự án cấp bách về thời gian, nên đã “bung” toàn bộ nguồn lực hiện có để thu mẫu thân nhân liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng. Do độ tuổi các mẹ rất cao – tối thiểu là 80 tuổi, nhiều người đã hơn 100 tuổi – nên chúng tôi không được phép chậm trễ.

Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, từ 6 giờ sáng hôm trước đến 1–2 giờ sáng hôm sau. Mọi người chỉ chợp mắt 3–4 tiếng, rồi lại tiếp tục di chuyển sang tỉnh khác.

Sau khi hoàn thành thu mẫu ADN của các mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước, chúng tôi chuyển sang thu mẫu từ anh, chị, em trong dòng mẹ của liệt sĩ.

Đội ngũ GeneStory lấy mẫu xét nghiệm của các mẹ liệt sỹ.

Ngọc Minh: Trong quá trình thực hiện dự án “Ngân hàng ADN liệt sĩ”, có câu chuyện hay hoàn cảnh nào khiến các anh day dứt, hoặc không thể nào quên?

TS. Dương Ngọc Cường: Trong quá trình thu mẫu, có rất nhiều câu chuyện xúc động. Tôi nhớ mãi một trường hợp tại Quảng Ninh: một Mẹ Việt Nam Anh hùng hơn 100 tuổi. Ngày chúng tôi đến lấy mẫu, mẹ đã rất yếu, không ăn được, như ngọn đèn trước gió. Nhưng khi chúng tôi nói rằng đến để lấy mẫu nhằm tìm lại con trai đã hy sinh, thì như một phép màu, mẹ bỗng tươi tỉnh, nói chuyện được.

Chiều hôm đó, sau khi lấy mẫu xong, tôi nhận được tin mẹ đã qua đời. Cảm xúc khi biết mình là người cuối cùng tiếp xúc với mẹ khiến tim tôi nghẹn lại. Tôi nhớ mãi nét mặt rạng ngời của mẹ khi nghe tin có thể tìm được con về. Chính điều đó khiến chúng tôi càng quyết tâm hoàn thành dự án này một cách nhanh chóng và trọn vẹn.

“Mong muốn của tôi là người Việt làm chủ công nghệ lõi phục vụ cho người Việt”

Ngọc Minh: Trong một thời gian ngắn, GeneStory đã xác định danh tính 16 liệt sĩ và đưa họ trở về với gia đình. Với vai trò là những người đưa công nghệ vào đời sống, cảm xúc của các anh như thế nào?

GS. Vũ Hà Văn: Cảm xúc của tôi hoàn toàn đồng điệu với sứ mệnh mà chúng tôi đã cùng nhau đề ra: Người Việt làm chủ công nghệ lõi, phát triển đất nước bằng chính công nghệ của mình.

Thành công ban đầu của dự án tuy nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa. Đây không chỉ còn là câu chuyện về công nghệ, mà còn là vấn đề về lòng tri ân. Chúng ta còn nợ những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Giờ đây, nhờ công nghệ, chúng ta có cơ hội hoàn thành những phần việc mà trước đây, dù đã rất cố gắng, nhưng vẫn chưa thể thực hiện.

Ngọc Minh: Mục tiêu xa hơn sẽ là gì?

GS. Vũ Hà Văn: Xa hơn nữa, đây chính là nền tảng để thúc đẩy y học dự phòng tại Việt Nam. Thông tin di truyền từ thân nhân liệt sĩ trải rộng khắp cả nước, tạo nên một kho dữ liệu có giá trị phục vụ y học cộng đồng, từ đó giúp nhận diện đặc điểm bệnh tật, gen của người Việt và xây dựng các chiến lược y tế chính xác, hiệu quả hơn.

Lấy mẫu xét nghiệm ADN mẹ liệt sỹ.

Ngọc Minh: Điều anh vừa nói khiến tôi nhớ đến dự án “Thuốc đúng cho em”, từng được giải Ý tưởng vì cộng đồng tại Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2023, với mục tiêu xét nghiệm gen để xác định thuốc phù hợp cho trẻ em bị bệnh động kinh ở Việt Nam. Dự án đó hiện tại ra sao?

GS. Vũ Hà Văn: Chúng tôi vẫn đang trên con đường tiếp tục theo đuổi đích đến là “thuốc đúng cho mọi người” và xa hơn nữa là nền y học dự phòng cho người Việt.

“Thuốc đúng cho em” đang hướng tới một đối tượng khá đặc biệt, đó là trẻ em bị động kinh. Đây là một chương trình rất ý nghĩa, liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người. Chương trình vẫn đang được triển khai, với quy mô hiện nay đã gấp 3 lần so với thời điểm ban đầu (đã có khoảng 6.000 trẻ bị động kinh được giải mã gen)

TS. Võ Sỹ Nam: Ngoài đối tượng là trẻ em, chúng tôi sẽ mở rộng nghiên cứu sang nhóm bệnh nhân là người lớn bị động kinh.

Song song với đó, trong năm nay, chúng tôi đang triển khai các chương trình “thuốc đúng” đối với bệnh tim mạch, ung thư, gút và nhiều vấn đề bệnh lý khác mà người Việt đang mắc phải. Trên cơ sở giải mã gen, chúng tôi hướng tới việc xây dựng các phác đồ điều trị an toàn và hiệu quả nhất.

Human Act Prize là một nguồn động viên lớn lao đối với GeneStory. Sau giải thưởng đó, thêm nhiều người biết GeneStory đang thực hiện một chương trình rất ý nghĩa cho cộng đồng. Khi GeneStory mở rộng dự án “Thuốc đúng cho em”, các bệnh viện rất sẵn sàng hợp tác, đội ngũ bác sĩ, bệnh nhân và người nhà đều nhiệt tình ủng hộ.

Bên cạnh đó, sau khi nhận giải, GeneStory càng cảm thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, phải nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, để xứng đáng với sự ghi nhận mà mình đã nhận được.

TS. Dương Ngọc Cường - Tổng Giám đốc GeneStory

Ngọc Minh: Với mục tiêu như vậy, GeneStory kỳ vọng sẽ đóng góp gì cho Việt Nam trong 5–10 năm tới?

GS. Vũ Hà Văn: Ước mơ đầu tiên của tôi là hoàn thành chương trình giải mã ADN thân nhân liệt sĩ – điều đó đã là một mục tiêu rất lớn. Mục tiêu thứ hai là tạo ra công nghệ lõi phục vụ ngày càng nhiều hơn cho người Việt.

Công nghệ gen, cũng như trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ ngày càng đi sâu vào đời sống. Nếu chúng ta chỉ mua công nghệ từ nước ngoài, sẽ rất đắt đỏ, không phù hợp với đặc điểm gen người Việt và khó ứng dụng hiệu quả. Tôi kỳ vọng công nghệ gen do người Việt phát triển sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ nuôi dạy con theo từng đặc điểm di truyền để phát triển toàn diện.

GeneStory có thể đóng góp vào việc xây dựng một nền y tế thông minh, giảm chi phí điều trị, tăng hiệu quả chăm sóc sức khỏe.

Tôi tin rằng, khi chúng ta giải mã gen ở quy mô lớn, GeneStory có thể tích hợp dữ liệu này vào hệ thống y tế quốc gia, giúp xác định người Việt thường mắc bệnh gì, loại thuốc nào phù hợp với gen người Việt… Điều này sẽ giúp tối ưu hóa cả việc nhập khẩu dược phẩm.

Về mặt vĩ mô, nhờ kho dữ liệu gen do GeneStory xây dựng, Nhà nước sẽ có cơ sở khoa học để ra các quyết sách mang tầm quốc gia, chính xác hơn và phù hợp hơn với người Việt.

Cảm ơn nhóm chuyên gia. Chúc GeneStory sẽ còn tiến xa hơn nữa trên hành trình phục vụ cộng đồng bằng chính trí tuệ và công nghệ của người Việt!

GeneStory và dự án “Thuốc đúng cho em” là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp tạo tác động xã hội được phân tích trong ấn phẩm Human Legacies - Dấu ấn tiên phong, cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho những người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam. Sách do Công ty cổ phần VCCorp phối hợp với Alpha Books và Metro Writers thực hiện, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành.