Đời sống

Hai tỉnh 'có gắn bó chặt chẽ, mang nhiều nét tương đồng về văn hóa, vị trí địa lý' bàn chuyện sáp nhập

Admin

Tại buổi làm việc về đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhấn mạnh: Việc hợp nhất hai tỉnh không chỉ là vấn đề thay đổi địa giới hành chính mà còn định hướng mở ra không gian lớn hơn để phát triển trong tương lai, với những yếu tố tương đồng làm nền tảng phát triển.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, chiều 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về dự thảo đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của hai tỉnh.

Theo dự thảo đề án sắp xếp, phương án, lựa chọn tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được đề xuất tên là tỉnh Hưng Yên, trụ sở trung tâm hành chính - chính trị mới đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhấn mạnh: Trải qua các giai đoạn lịch sử, hai địa phương đã có sự gắn bó chặt chẽ, cũng như mang nhiều nét tương đồng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý… Trong công cuộc đổi mới, hai tỉnh đều có những tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội để bổ trợ cho nhau.

Việc sắp xếp, hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình là chủ trương đúng đắn, là bước chuẩn bị quan trọng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Vì vậy, buổi làm việc có ý nghĩa rất quan trọng để Ban Thường vụ hai tỉnh thảo luận, triển khai các nhiệm vụ, công việc thực hiện hợp nhất.

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình)

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình thông tin một số nét nổi bật về điều kiện tự nhiên, dân số, tiềm năng, thế mạnh và quy mô nền kinh tế trên địa bàn. Ông Thận đặc biệt nhấn mạnh, Thái Bình hiện đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. 

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng vào ba trụ cột kinh tế chính và tập trung phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. 

Địa phương cũng đã và đang tập trung triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Đối với việc hợp nhất hai tỉnh, Thái Bình đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, công việc theo đúng chỉ đạo của Trung ương và bảo bảo tiến độ đề ra.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Nội vụ của hai tỉnh trong việc xây dựng dự thảo đề án. Đồng thời nhấn mạnh, đây không chỉ là vấn đề thay đổi địa giới hành chính cấp tỉnh mà còn định hướng mở ra không gian lớn hơn để phát triển trong tương lai, với những yếu tố tương đồng làm nền tảng phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhấn mạnh: Việc hợp nhất là không thay đổi, việc cần làm lúc này là làm sao khi hợp nhất cần bảo đảm công việc thông suốt, hoạt động bình thường, không được bỏ trống địa bàn cũng như công việc.

Hai tỉnh cần rà soát kỹ tài sản, trụ sở sử dụng, quản lý hiệu quả, tránh lãng phí thất thoát. Bên cạnh đó, Thái Bình và Hưng Yên cũng cần rà sát hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin, tiến hành số hóa toàn bộ tài liệu liên quan để phục vụ việc quản lý, vận hành chung. 

Đặc biệt, để phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý điều hành của chính quyền mới, đề nghị bộ phận chuyên môn, các sở, ngành cần số hóa tài liệu liên quan để sử dụng chung một cách hiệu quả, rà soát các công việc cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đề cập đến việc hợp nhất sẽ không tránh khỏi những băn khoăn, vướng mắc, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận hai tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện theo đúng chỉ đạo của Trung ương.

Theo Nghị quyết số 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).

Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong số 34 tỉnh, thành mới, có 11 tỉnh, thành được giữ nguyên, không thực hiện sáp nhập; 23 tỉnh, thành còn lại được sáp nhập từ 52 tỉnh, thành.

Trong đó, phương án bao gồm hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê, tỉnh Hưng Yên có diện tích trên 930 km2 - hiện là địa phương có diện tích nhỏ thứ ba cả nước. Tỉnh Thái Bình có diện tích trên 1.580 km2. Như vậy, tỉnh Hưng Yên (mới) sẽ có diện tích trên 2.500 km2 - dự kiến là địa phương nhỏ nhất sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh, thành.