Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khởi nguồn từ năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã tạo ra những biến động lớn trong thương mại toàn cầu. Xung đột này không chỉ giới hạn trong quan hệ song phương mà còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế.
Trong bối cảnh này, các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Việt Nam, cần có chiến lược thích ứng linh hoạt để đối phó với những biến động từ thương mại toàn cầu, từ đó tìm kiếm cơ hội mới giữa những thách thức đang ngày càng gia tăng.
Việt Nam hưởng lợi hai chiều
Đánh giá về cơ hội đối với Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có xu hướng leo thang, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, khi thuế suất cao đẩy giá hàng hóa lên làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu vào thị trường này.
Kết quả là lượng hàng tồn kho gia tăng, khiến giá cả trên thị trường thế giới giảm. Đây là cơ hội để Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu với giá rẻ hơn từ các quốc gia bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Việt Nam không nằm trong nhóm đối tượng bị đánh thuế nên một số nước có thể mượn đường để sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ. Điều này giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời có cơ hội sàng lọc các nhà đầu tư chất lượng cao, hướng đến mô hình sản xuất xanh, sạch và bền vững.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Việc các sản phẩm từ các quốc gia bị đánh thuế bị hạn chế vào Mỹ đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ.
Nhìn chung, ông Lạng đánh giá, Việt Nam kiếm lợi nhiều từ việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, ước tính con số tăng trưởng xuất nhập khẩu trong năm 2025 có thể lên đến 900 - 1.000 tỷ USD.
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương bổ sung thêm, Mỹ vẫn có nhu cầu phải nhập khẩu hàng chế biến chết giá rẻ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của họ. Việc căng thẳng thương mại buộc Mỹ phải chuyển cái sự phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc và những nước lớn khác thì sang nước nhỏ khác.
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương.
Đây là cơ hội cho Việt Nam vốn có thế mạnh về chế biến tạo. Đồng thời, khi các nhà đầu tư trên thế giới nhìn thấy cơ hội đó thì sẽ chuyển hướng và đầu tư vào Việt Nam. "Dẫu sao thì đầu tư và sản xuất ở Việt Nam để bán vào Mỹ thì lợi hơn nhiều so với sản xuất tại Mỹ", ông Tú Anh nêu quan điểm.
Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu là tăng trưởng chậm lại, tăng trưởng trung bình trong dài hạn trong khi vẫn là một cái nước thừa vốn rất lớn. Đất nước này có quá trình tích lũy được vốn hàng nghìn tỷ USD nên số vốn đó sẽ phải tìm đến cơ hội đầu tư. Đó cũng là cơ hội rất tốt cho Việt Nam.
"Doanh nghiệp Việt có thể mạnh dạn đầu tư sang Mỹ"
Ngược lại, ông Tú Anh cho rằng, nếu Việt Nam muốn hưởng lợi từ Mỹ thì chắc chắn cũng sẽ phải chịu những sức ép từ phía chính quyền Trump. Để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và những thị trường lớn khác, Việt Nam buộc phải đáp ứng nhu cầu rất lớn về năng lượng, kết cấu hạ tầng và nhân lực chất lượng cao.
Thêm vào đó là việc Mỹ áp dụng thuế quan khiến hàng Trung Quốc giá rẻ tồn đọng, có nguy cơ tràn sang các nước khác và Việt Nam là nước cũng láng giềng không ngoại lệ, gây bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước.
Còn theo ông Nguyễn Thường Lạng, không loại trừ khả năng Mỹ có thể áp thuế lên hàng Việt Nam trong tương lai để cân bằng cán cân thương mại. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược dự phòng như đa dạng hóa thị trường, mở rộng hợp tác với nhiều đối tác đa dạng. Nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm, Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác thị trường thay thế để bù đắp.
Không loại trừ khả năng Mỹ có thể áp thuế lên hàng Việt Nam.
Xây dựng hệ thống doanh nghiệp có khả năng kháng cự tốt với biến động thương mại, tăng tính độc lập trong chuỗi cung ứng,
Việc Nam có thể mua tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ như khí hóa lỏng, thiết bị, những năng lượng công nghệ mới mà mỹ có thế mạnh. Đồng thời có thể trao đổi, đặt vấn đề để Mỹ xuất khẩu công nghệ sang Việt Nam.
Ông Lạng cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư sang Mỹ, tận dụng lợi thế từ mức lãi suất không quá cao, hàng rào thuế quan bảo hộ và cơ hội kinh doanh rộng mở.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến nghị Việt Nam cần cải cách thể chế và chính sách để đáp ứng không chỉ các yêu cầu về thuế quan mà còn nhiều điều kiện thương mại khắt khe khác trong bối cảnh phân mảnh đầu tư và thương mại toàn cầu.
Thứ hai, các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng hiện cũng đang phải tìm đến việc là khơi thông và thúc đẩy nội lực, tiềm năng đến từ thị trường trong nước và giữa các nước trong khu vực với nhau, tăng cường khả năng kết nối và buôn bán.
Thứ ba, bên cạnh phụ thuộc vào sản xuất, gia công, lắp ráp, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thu hẹp thâm hụt trong lĩnh vực này, đồng thời kích thích tiêu dùng và tự do hóa thị trường dịch vụ trong nước để tạo cân bằng và hạn chế rủi ro từ biến động thương mại toàn cầu.
Mở rộng ra về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đến châu Á, ông Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC nhận định Trung Quốc sẽ thay thế một số mặt hàng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ bằng nhiều khoản đầu tư nước ngoài, tăng cường thương mại với các nền kinh tế mới nổi, củng cố vị thế trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua xuất khẩu linh kiện và sản xuất công nghệ cao, tránh những điều chỉnh lớn về tỉ giá, đồng thời tận dụng cơ hội tốt nhất để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và cải cách cơ cấu.
ASEAN hưởng lợi đáng kể từ những xu hướng này. Khu vực này đã vượt Mỹ và EU để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, đồng thời cải thiện năng lực sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, từ xe điện đến điện tử tiêu dùng, nhờ vào sự hỗ trợ từ các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính sách thiên về giảm nhập khẩu của Mỹ dưới thời ông Trump có thể vô tình tạo động lực cho Châu Á thay đổi mô hình tăng trưởng, vốn trước đây phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ. "Tách rời" không đồng nghĩa với việc rút lui khỏi thương mại hay quay lưng lại với Mỹ, vốn là một đối tác thương mại quan trọng, mà là cơ hội để Châu Á, thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.