SỐ HÓA

Một lĩnh vực Trung Quốc đi sau nhưng "vượt mặt" Mỹ, Nhật Bản: Tự phá kỷ lục của mình vì không có đối thủ

Admin

Theo chuyên gia, “Trung Quốc đã phát triển năng lực đẳng cấp thế giới”.

Vào ngày 20/1, thiết bị thử nghiệm phản ứng tổng hợp hạt nhân tokamak (EAST) siêu dẫn hoàn toàn của Trung Quốc, được gọi là “mặt trời nhân tạo”, đã lập kỷ lục thế giới mới ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Đây là thiết bị thí nghiệm mô phỏng phản ứng tổng hợp hạt nhân bên trong Mặt Trời.

Nguyên lý hoạt động của EAST dựa trên việc sử dụng hydro và deuterium – những nguồn nguyên liệu dồi dào – để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân dưới nhiệt độ và áp suất cực cao. Quá trình này giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ, sạch và không gây ô nhiễm, đồng thời mang lại tiềm năng bền vững để thay thế các nguồn năng lượng truyền thống.

Mới đây nhất, EAST đã hoàn thành “quá trình đốt cháy chất lượng cao” 100 triệu độ C trong 1.000 giây. Bước đột phá này đã vượt qua kỷ lục thế giới trước đó là 403 giây, cũng do EAST lập vào năm 2023.

Theo Tân Hoa Xã, sự kiện này đánh dấu nghiên cứu về năng lượng Nhiệt hạch của Trung Quốc đã đạt được bước nhảy vọt lớn từ khoa học cơ bản đến thực hành kỹ thuật, có ý nghĩa to lớn đối với nhân loại trong việc đẩy nhanh hiện thực hóa sản xuất điện nhiệt hạch. Trong hơn mười năm qua, "Mặt Trời nhân tạo" đã trải qua hơn 150.000 thí nghiệm và đạt đến đỉnh cao khoa học mới, đưa nghiên cứu nhiệt hạch của Trung Quốc lên hàng đầu hàng đầu thế giới.

Cũng theo Tân Hoa Xã, thiết kế kỹ thuật của lò phản ứng thí nghiệm kỹ thuật nhiệt hạch Trung Quốc thế hệ tiếp theo đã được hoàn thành. Theo lộ trình, quốc gia này đặt mục tiêu xây dựng nhà máy điện trình diễn phản ứng tổng hợp đầu tiên trên thế giới trong tương lai.

Trên thực tế, Trung Quốc có khởi đầu muộn hơn trên đường đua nghiên cứu phản ứng tổng hợp hạt nhân. Nhưng gần đây, họ đã đạt được những bước tiến trong công nghệ tiên phong và có thể nhanh chóng vượt qua những nỗ lực của châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

“Từ một quốc gia không tham gia (phản ứng tổng hợp hạt nhân) cách đây 25 năm, Trung Quốc đã phát triển năng lực đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực này”, Cyrille Mai Thanh, Giám đốc phụ trách các vấn đề EU của Hiệp hội Công nghiệp Nhiệt hạch, cho biết.

Cũng theo hãng thông tấn kinh doanh Nhật Bản Nikkei, kể từ năm 2011, Trung Quốc là đất nước nộp nhiều bằng sáng chế nhất trong chuỗi cung ứng tổng hợp. Họ cũng có số lượng tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật tổng hợp nhiều gấp mười lần so với Mỹ.

Có thể nói, cuộc đua toàn cầu hướng tới phản ứng tổng hợp hạt nhân không phải là trò chơi tổng bằng không. Tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật sẽ thúc đẩy những đột phá trên toàn thế giới, đưa chúng ta đến gần hơn với lời hứa về năng lượng dồi dào, không carbon của phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Theo Tân Hoa Xã, Euractiv