Đời sống

Một tỉnh miền Trung Việt Nam muốn làm dự án chưa từng có tiền lệ, Phó Thủ tướng hồi đáp ra sao?

Admin

Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình về kiến nghị của tỉnh.

 Nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do Vũng Áng 

Ngày 21/01/2025, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 542/VPCP-QHĐP về việc xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Hà Tĩnh tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Văn bản nêu rõ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình có ý kiến như sau:

Về việc nghiên cứu thành lập Khu Thương mại tự do Vũng Áng gắn với cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu sự cần thiết, lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan về việc thành lập Khu Kinh tế thương mại tự do Vũng Áng gắn với cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Việc nghiên cứu, lấy ý kiến cần tổng hợp trong Quý I năm 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Ảnh minh họa Khu thương mại tự do Vũng Áng trong tương lai bằng AI ChatGPT

Các dự án Khu Thương mại tự do như Vũng Áng được coi là chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Trước Hà Tĩnh, Đà Nẵng và Đồng Nai cũng kiến nghị thành lập Khu thương mại tự do trên địa bàn. Hiện Quốc hội đã cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do.

Pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư, thành lập, cũng như mô hình quản lý, cơ chế hoạt động và phân cấp quản lý để có thể áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, Khu thương mại tự do đã chứng minh là mô hình hiệu quả trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cũng như phát triển ngành logistics. Các khu thương mại tự do cung cấp một cơ chế thông thoáng, giúp doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi về miễn thuế, giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Điều này mang lại ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam, một nền kinh tế có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đang mở rộng quan hệ thương mại qua các hiệp định tự do thương mại (FTA) với các đối tác quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương từng khẳng định rằng lợi ích của khu thương mại tự do đối với sự phát triển kinh tế đã được chứng minh qua thực tế ở nhiều quốc gia.

Cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là đòn bẩy cho kinh tế Hà Tĩnh "cất cánh"

Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, tọa lạc tại Khu kinh tế Vũng Áng trên địa phận thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sở hữu độ sâu tự nhiên từ -11 mét đến -22 mét, đủ khả năng đón nhận các tàu container có sức chứa lên tới 4.000 TEU. 

Điểm đặc biệt của hệ thống cảng biển này là vị trí đắc địa trên tuyến đường hàng hải quốc tế, tiềm năng để phát triển thành một trung tâm logistics cấp quốc tế.

Tàu cập cảng Sơn Dương. Ảnh: Nhà đầu tư

Tỉnh Hà Tĩnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, lF điểm trung chuyển hàng hóa chính cho Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cha Lo, theo quốc lộ 8A và quốc lộ 12. 

Đây được coi là cửa ngõ ngắn nhất từ Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan ra biển Đông, nối liền tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến đường biển quốc tế, tạo điều kiện giao thương với thế giới.

Những năm qua, Hà Tĩnh còn chú trọng đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, với các trục đường dọc và ngang, hành lang Đông Tây, cùng đường nông thôn được nâng cấp, giúp các phương tiện đi lại dễ dàng từ thành phố tới các huyện, thị xã, và đến tận trung tâm các xã.

Đồng thời, dự án đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng và tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng đang được hai Chính phủ Việt Nam và Lào đẩy mạnh triển khai. Đây là những tuyến đường huyết mạch góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động cho cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, giúp cảng phát triển mạnh mẽ hơn.

Toàn cảnh cảng Vũng Áng. Ảnh: ALS

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang từng đánh giá: “Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động vận tải quốc tế cả đường biển và đường bộ. Với lợi thế nằm khá gần tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch qua biển Đông - nơi chiếm khoảng 50% tổng lượng vận tải biển của thế giới, Vũng Áng không chỉ có tiềm năng trở thành một cảng đầu mối của Việt Nam mà còn trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển cho Lào và cả vùng Đông Bắc Thái Lan”.

Vì vậy, nếu cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có thêm "trợ lực" từ Khu Thương mại tự do Vũng Áng, nó sẽ là "cú hích", động lực lớn để kinh tế Hà Tĩnh cũng như kinh tế vùng Bắc Trung Bộ phát triển hơn nữa.