DOANH CHỦ

PNJ đứng trước cơ hội lịch sử

Admin

Dự thảo NĐ 24 thay thế yêu cầu về việc vàng nhập khẩu phải đến từ các nhà sản xuất được chứng nhận bởi Hiệp hội Thị trường Vàng Bạc London (LBMA) bằng tiêu chuẩn linh hoạt hơn. Vàng miếng/vàng nguyên liệu nhập khẩu chỉ cần có hàm lượng vàng tối thiểu 99,5%.

Phiên giao dịch đầu tuần chứng kiến cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng hơn 5% lên mức giá 87.600 đồng, ghi nhận mức tăng gần 22% từ 'đáy' ngày 1/4/2025. Dù vậy, PNJ chưa trở về mặt bằng giá 9x.

Cuối tuần trước đó, PNJ và các doanh nghiệp kinh doanh vàng đón 'tin vui' khi vào ngày 11/07/2025, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và hiệp hội đối với bản dự thảo ban đầu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 12/06.

Dự thảo ngày 11/07 giữ nguyên hai thay đổi chính được đưa ra trong bản dự thảo ngày 12/06, bao gồm: (1) chấm dứt thế độc quyền của Nhà nước trong sản xuất vàng miếng và nhập khẩu/xuất khẩu vàng nguyên liệu; và (2) cho phép các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đủ điều kiện được nhập khẩu vàng miếng/vàng nguyên liệu .

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi lần này đã chỉnh sửa, bổ sung một số điểm về chi tiết triển khai:

- Tiêu chuẩn nhập khẩu vàng: Yêu cầu về việc vàng nhập khẩu phải đến từ các nhà sản xuất được chứng nhận bởi Hiệp hội Thị trường Vàng Bạc London (LBMA) được thay thế bằng tiêu chuẩn linh hoạt hơn. Vàng miếng/vàng nguyên liệu nhập khẩu chỉ cần có hàm lượng vàng tối thiểu 99,5%.

- Làm rõ quy định về các đối tượng đủ điều kiện: Trong phần định nghĩa về các chủ thể được phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu/xuất khẩu vàng nguyên liệu/vàng miếng, cụm từ “tổ chức tín dụng” được thay thế bằng “ngân hàng thương mại” nhằm phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng.

- Làm rõ cơ chế nhập khẩu/xuất khẩu vàng nguyên liệu và vàng miếng: (1) NHNN sẽ phân bổ hạn ngạch nhập khẩu/xuất khẩu cho các chủ thể đủ điều kiện dựa trên vốn điều lệ, tình hình xuất khẩu/nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu hiện tại; và (2) hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu do NHNN thực hiện sẽ được miễn thuế xuất khẩu/nhập khẩu.

- Làm rõ yêu cầu về phương thức thanh toán giao dịch: Các giao dịch vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên trên mỗi khách hàng trong một ngày phải được thanh toán qua hình thức chuyển khoản ngân hàng.

- Bổ sung quy định mới: Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có hợp đồng gia công trang sức vàng cho đối tác nước ngoài, NHNN có thể cấp giấy phép nhập khẩu vàng nếu doanh nghiệp có giấy phép sản xuất trang sức hợp lệ và nhu cầu nhập khẩu phù hợp với nội dung hợp đồng gia công.

Một số đề xuất đã được NHNN ghi nhận nhưng không được đưa vào dự thảo lần này:

- Tần suất thanh tra thị trường: Bộ Công an (BCA) đề xuất thực hiện thanh tra định kỳ thị trường vàng (ít nhất mỗi 3 hoặc 5 năm). NHNN quyết định áp dụng theo quy định hiện hành về thanh tra, nhưng không quy định cụ thể tần suất trong nghị định.

- Sở giao dịch vàng quốc gia: BCA đề xuất thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. NHNN phản hồi rằng nội dung này nằm ngoài phạm vi sửa đổi của nghị định, nhưng sẽ được nghiên cứu riêng.

- Cơ chế quản lý giá vàng và quản lý rủi ro: BCA bày tỏ lo ngại rằng việc thiếu cơ chế quản lý giá vàng có thể khiến doanh nghiệp và ngân hàng thương mại gặp rủi ro do biến động giá vàng. NHNN phản hồi rằng sẽ xem xét sửa đổi quy định nhằm cho phép ngân hàng thương mại được kinh doanh sản phẩm phái sinh về vàng, và có thể bổ sung vàng vào danh mục giao dịch trên Sở Giao dịch Hàng hóa.

“Chúng tôi đánh giá dự thảo ngày 11/07 là một bước tiến tích cực hướng đến việc hoàn thiện nghị định sửa đổi. Thay đổi đáng chú ý nhất là việc nới lỏng yêu cầu về nguồn cung vàng nhập khẩu, cho phép nhập khẩu vàng miếng/vàng nguyên liệu có hàm lượng vàng từ 99,5% trở lên thay vì chỉ giới hạn ở các nhà sản xuất được LBMA chứng nhận.

Chúng tôi đánh giá đây là hướng tiếp cận thực tiễn hơn cho các doanh nghiệp chế tác trang sức vàng. Trong khi đó, NHNN vẫn duy trì cơ chế cấp phép kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu phê duyệt cho từng lần nhập khẩu/xuất khẩu vàng miếng/vàng nguyên liệu” – CTCK Vietcap nhận xét.

Đánh giá về PNJ, Vietcap cho rằng nghị định sửa đổi giúp giảm bớt khó khăn về nguồn cung vàng nguyên liệu.

Việc tiến độ hoàn tất nghị định chậm hơn dự kiến tương ứng rủi ro điều chỉnh giảm nhẹ đối với giả định biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ của CTCK này trong suốt giai đoạn dự báo.

Tuy nhiên, việc sửa đổi yêu cầu nhập khẩu vàng theo hướng linh hoạt và thực tiễn hơn sẽ làm tăng khả năng PNJ có thể tận dụng hiệu quả giấy phép nhập khẩu sau khi được cấp.