Đời sống

Sau sáp nhập, đây là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam nhưng quy mô kinh tế không hề nhỏ

Admin

Tỉnh này dự kiến được nhập từ hai tỉnh.

Nghị quyết 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thống nhất chủ trương về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương).

Theo danh sách dự kiến thì tỉnh nhỏ nhất cả nước sau khi sáp nhập là tỉnh Hưng Yên mới (sáp nhập tỉnh Hưng Yên và Thái Bình) với diện tích hơn 2.500km2.

Còn tỉnh Bắc Ninh tỉnh nhỏ nhất cả nước hiện nay, với 822km2, sau khi sáp nhập với Bắc Giang sẽ có quy mô rộng lớn hơn nhiều tỉnh, thành khác, với tổng diện tích vượt 4.000km2.

Lợi thế kinh tế của tỉnh Hưng Yên mới

Theo Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Hưng Yên là tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh này nằm gọn trong ô trũng thuộc Đồng bằng sông Hồng, tương đối bằng phẳng, không có núi, đồi.

Hưng Yên có lợi thế nằm sát Thủ đô Hà Nội, các tuyến quốc lộ đi qua như quốc lộ 5 (dài 23 km), quốc lộ 38, quốc lộ 39 (dài 43 km) nối quốc lộ 5 với quốc lộ 1 tại Hà Nam, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và các tuyến đường sông.

Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Hưng Yên năm 2024 ước tính tăng 7,70% so với cùng kỳ năm trước (đạt kế hoạch đề ra tăng từ 7,5-8%). So với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên xếp thứ 7/11 tỉnh, thành phố và xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Một góc tỉnh Thái Bình hiện tại.

Quy mô nền kinh tế năm 2024 của tỉnh đạt 159.844 tỷ đồng, là một trong những tỉnh có mật độ kinh tế cao của vùng và của cả nước, đạt 172 tỷ đồng/km2; GRDP bình quân đầu người đạt 121,27 triệu đồng, tăng 8,81 triệu đồng so với năm 2023.

Trong khi đó, tỉnh Thái Bình có “mặt tiền biển Đông” khá lớn khi sở hữu hơn 52km bờ biển và hội tụ những điều kiện tốt để biến khát vọng “tiến xa ra biển, làm giàu từ biển” trở thành hiện thực.

Cụ thể, Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc Đồng bằng sông Hồng; nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có bờ biển trải dài 52km và 5 cửa sông lớn, tạo ra vùng bãi triều hơn 16.000ha, mở ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Thái Bình cũng sở hữu các tuyến quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 đi qua.

Năm 2024, GRDP trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm 2023. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt trên 132.700 tỷ đồng, xếp thứ 23 địa phương trong cả nước, thứ 8/11 địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 44,3%, dịch vụ chiếm 30,41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,6%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; tính đến ngày 20/12/2024, toàn tỉnh có 1.172 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đầu tư 12.604 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt trên 26.700 tỷ đồng, đạt 137,1% so với dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa ước đạt gần 11.070 tỷ đồng, tăng 12,8%.

Tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ thành phố Thái Bình đi huyện Hưng Hà, nối liền với tỉnh Hưng Yên, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.928 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của dự án từ ngân sách của tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án có chiều dài khoảng 24,8km, đi qua TP. Thái Bình và 3 huyện là Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà, sử dụng 182,23ha đất. Thời gian thực hiện dự án từ 2025 - 2028.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải liên vùng, liên tỉnh, liên khu vực, tăng cường kết nối giữa các khu đô thị, cụm công nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh. Đồng thời, công trình này sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông giữa Thái Bình và Thủ đô Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận thông qua tuyến đường Vành đai 5.