Thủ tướng vừa có chỉ đạo nóng về xuất khẩu sầu riêng. Ảnh: VGP
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Công điện này gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường; Công Thương; Tài chính; Công an và Chủ tịch UBND 24 tỉnh, thành phố có vùng trồng sầu riêng: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Khánh Hòa, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang, Long An, Phú Yên, Kiên Giang và Ninh Thuận.
Công điện nêu rõ, trong thời gian vừa qua việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam ở một số thời điểm gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quy mô xuất khẩu, giá trị gia tăng, lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do một số quốc gia đã áp dụng thêm một số biện pháp kiểm soát bổ sung đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp; đồng thời tình trạng mở rộng, gia tăng nhanh diện tích sầu riêng tại một số địa phương đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng.
Sầu riêng là mặt hàng mang về nhiều tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam. Ảnh minh họa
Để chủ động ứng phó với những khó khăn trên và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như bảo đảm sản xuất, xuất khẩu sầu riêng ổn định, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung chỉ đạo sản xuất sầu riêng theo Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, bảo đảm cung cầu, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tích cực thực hiện đàm phán mở cửa các thị trường khác cho sản phẩm sầu riêng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Hướng dẫn quy trình sản xuất sầu riêng an toàn, bền vững và hoàn thành trong quý 3 năm nay.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sầu riêng, đặc biệt là các giải pháp xử lý sau thu hoạch, bảo quản lạnh, chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và công nhận các phòng thử nghiệm đạt chuẩn; thống nhất quy trình kiểm tra thông quan đối với sản phẩm sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bảo đảm thông thoáng, thuận lợi.
Chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu biên giới bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để kiểm tra, kiểm dịch kịp thời trong thời gian thu hoạch rộ; đồng thời triển khai các biện pháp nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ các phòng thử nghiệm phục vụ xuất khẩu.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Duy trì hợp lý quy mô diện tích các vùng trồng hiệu quả, thu hẹp diện tích các vùng trồng kém hiệu quả, mở rộng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu... Xây dựng và tổ chức triển khai ngay chương trình giám sát việc thực hiện cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật từ gốc đối với sản phẩm sầu riêng.
Điều tra xử lý nghiêm gian lận mã số vùng trồng, làm giả hồ sơ xuất khẩu sầu riêng
Thủ tướng giao Bộ trưởng Công an chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Ảnh: MK
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm sầu riêng Việt Nam; phát triển hệ thống nhận diện, tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán lẻ hiện đại, sàn thương mại điện tử và hệ thống phân phối quốc tế.
Ngoài ra, thúc đẩy xây dựng hệ thống phân phối sầu riêng ổn định tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam và nhà nhập khẩu nước ngoài, bảo đảm duy trì thị phần và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Hải quan ưu tiên làm thủ tục thông quan cho các lô hàng sầu riêng trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi, giãn thuế cho doanh nghiệp chế biến, bảo quản sầu riêng xuất khẩu; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sâu.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra và xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, làm giả hồ sơ, chứng từ xuất khẩu và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng.
Đối với các tỉnh, thành phố có trồng sầu riêng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức sản xuất sầu riêng trên địa bàn tuân thủ đúng các quy định, quy trình, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó. kiểm soát chặt chẽ diện tích trồng mới, không để xảy ra tình trạng tăng nóng về quy mô, phá vỡ cân đối cơ cấu cây trồng, cân đối cung - cầu và các trường hợp lạm dụng đất rừng, đất dốc hoặc các khu vực không đáp ứng điều kiện sản xuất bền vững.
Rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển vùng trồng sầu riêng theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; khuyến khích hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh.
Đồng thời, chỉ đạo việc quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất để bảo đảm các cơ sở, đơn vị được cấp mã tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn diện chuỗi sản xuất - đóng gói - tiêu thụ - xuất khẩu sầu riêng.
Sầu riêng hiện là một trong những mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng nhanh và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong năm 2024, diện tích sầu riêng đã đạt gần 180.000 ha, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 3,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Đặc biệt, diện tích sầu riêng tăng bình quân 19,5%/năm trong giai đoạn 2015 - 2024 và tiếp tục có xu hướng mở rộng nhanh.