DOANH CHỦ

Thủ tướng kêu gọi DN lớn chủ động 'giải bài toán quốc gia', ông Trần Bá Dương trả lời sẽ tham gia làm đường sắt đô thị

Admin

Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, đặc biệt là các Tập đoàn lớn.

Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

DN lớn chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết các bài toán ở tầm quốc gia

Tại đây, Thủ tướng yêu cầu các DN lớn chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia

Thủ tướng đặt vấn đề cần những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số; như các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp FDI phải đồng bộ tăng trưởng; phân tích kỹ, đánh giá ứng phó tình hình hiện nay như thế nào khi có kịch bản xấu xảy ra.

Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, đặc biệt là các Tập đoàn lớn.

Đơn cử là đề nghị Tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

Ảnh: Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm.

Chủ tịch THACO trả lời sẽ tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép

Đại diện THACO là ông Trần Bá Dương cũng phát biểu Tập đoàn sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Theo ông Dương, với mục tiêu tăng trưởng của cả nước trong năm 2025 đạt 8%, cùng với các năm tiếp theo là hai con số thì các ngành mà THACO đang làm cũng cố gắng đóng góp vào mục tiêu này.

Cụ thể, đối với ô tô, THACO cho biết hiện sản xuất gần như là tất cả các loại sản phẩm và đến giờ này chúng tôi đang kiểm soát 32% thị phần. Năm ngoái, chúng tôi đã bán 92.000 xe, năm nay chúng tôi cố gắng bán 100.000 xe và chúng tôi sẽ tập trung vào xe lai, xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng.

THACO tự nhận định đã đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, xe du lịch là từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70%. Tập đoàn đã giảm được chi phí và đặc biệt đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam.

Thứ hai là trong lĩnh vực cơ khí-công nghiệp hỗ trợ, THACO theo ông Dương đã hình thành được nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí. Hiện nay, mức tăng trưởng xuất khẩu của chúng tôi rất cao. Trong thời gian tới, vào tháng 9/2025, THACO sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô 700 ha. Hiện nay, tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp FDI rất cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc để giảm giá thành và chi phí logistics.

“Cùng với định hướng của Thủ tướng hôm nay, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền Trung, Chu Lai, Quảng Nam và THACO, chúng tôi sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép”, ông Dương nói.

Lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP

Báo cáo tổng hợp tình hình các doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết:

Qua gần 40 năm Đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 05 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Năm 2024, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng đạt 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới; xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu NSNN ước vượt 19,8% dự toán, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 20,7%…Những thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu"

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ thường chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp: "Tiên phong trong đổi mới sáng tạo; tăng tốc, bứt phát trong tăng trưởng; phát triển toàn diện, bao trùm, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo; bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường; làm tốt công tác tham gia bảo đảm an sinh xã hội". Đây chính là kim chỉ nam hành động cho từng doanh nghiệp để nỗ lực vươn lên, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Khát vọng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế; phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu", chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.