Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Hùng Vương (UPCoM: HVG) vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, Hùng Vương bị phạt 85 triệu đồng do không công bố các báo cáo tài chính và tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông theo đúng quy định. Danh sách tài liệu công ty không công bố gồm toàn bộ báo cáo tài chính từ quý IV/2022 đến quý I/2025, bao gồm báo cáo quý, báo cáo năm đã kiểm toán và báo cáo bán niên đã được soát xét. Ngoài ra, công ty cũng không công bố báo cáo thường niên các năm 2022-2024, cùng báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022, 2023 (gồm cả 6 tháng đầu năm).
Ngoài ra, Hùng Vương cũng không công bố các tài liệu liên quan đến Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên trong 3 năm liên tiếp (2023–2025), bao gồm tài liệu họp, biên bản và nghị quyết ĐHĐCĐ.
Ông Dương Ngọc Minh là nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Hùng Vương.
Công ty Cổ phần Hùng Vương được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu 32 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản; sản xuất thức ăn thủy sản, chăn nuôi và kinh doanh kho lạnh. Doanh nghiệp chính thức niêm yết trên HoSE từ năm 2009.
Doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh sở hữu 7 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu có mô hình sản xuất khép kín hàng đầu Việt Nam về quy mô hoạt động, kim ngạch xuất khẩu và chất lượng sản phẩm. Các nhà máy của Hùng Vương đủ điều kiện xuất khẩu sang 27 nước EU và mở rộng xuất khẩu sang Mỹ, Đông Âu, Trung Quốc,...
Từ năm 2013, doanh thu của Hùng Vương đã đạt gần 11.180 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm ông Dương Ngọc Minh hướng tới mục tiêu doanh thu tỷ USD, vốn rất hiếm vào thời điểm đó. Các năm sau, doanh thu của Hùng Vương tiếp tục tăng, lên hơn 15.000 tỷ đồng năm 2014 và hơn 18.000 tỷ đồng năm 2016.
Tuy nhiên, giấc mơ của ông chủ Hùng Vương đã không thành hiện thực. Công ty lao dốc do vay nợ quá nhiều và làm ăn không hiệu quả.
Từ một doanh nghiệp lớn của ngành thủy sản, sau giai đoạn ăn nên làm ra, Hùng Vương rơi vào thua lỗ trong các năm 2016, 2017 và lỗ nặng trong năm 2019. Tới cuối năm 2019, con số lỗ lũy kế đã hơn 1.700 tỷ đồng.
Từ một doanh nghiệp lớn của ngành thủy sản, sau giai đoạn ăn nên làm ra, Hùng Vương rơi vào thua lỗ trong các năm 2016, 2017 và lỗ nặng trong năm 2019. Tới cuối năm 2019, con số lỗ lũy kế đã hơn 1.700 tỷ đồng.
Từ tháng 8/2020, Thủy sản Hùng Vương bị hủy niêm yết bắt buộc khỏi HoSE do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Ngay sau đó, HVG được chuyển sang Upcom với giá 5.400 đồng/cổ phiếu rồi bị đình chỉ giao dịch từ cuối năm 2023 với mức giá chỉ còn 1.400 đồng/cổ phiếu tại ngày 18/7/2025.