Bất động sản

TS. Nguyễn Văn Đính: Giá chung cư Bình Dương (cũ) đang khá mềm 40-50 triệu/m2, nhưng sau khi sáp nhập vào TP.HCM, chắc chắn mức giá này sẽ không còn

Admin

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, sau sáp nhập, hạ tầng khu vực Bình Dương (cũ) sẽ được đầu tư đồng bộ, tăng tính kết nối với TP.HCM, từ đó tạo lực đẩy khiến giá bất động sản khó có thể giữ ở mức hiện tại.

Tại một Hội thảo về bất động sản mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về triển vọng của khu vực Bình Dương (cũ), đặc biệt trong bối cảnh đang được sáp nhập vào TP.HCM và hình thành vùng đô thị nội vùng mới.

Cách đây khoảng 5 năm, thị trường bất động sản Bình Dương (cũ) bắt đầu xuất hiện nhiều hơn các dự án nhà ở, chung cư. Trong khi đó, TP.HCM lại rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá bất động sản tăng cao nên nhiều nhà đầu tư phía Bắc và phía Nam đã có xu hướng đưa dòng tiền tham gia thị trường này.

Ngoài nhóm nhà đầu tư với mục đích đầu tư kinh doanh thì nhóm khách hàng vào Bình Dương (cũ) có phần nhiều là các công nhân, chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong các khu công nghiệp ở khu vực này.

"Có thể nói, Bình Dương (cũ) là một thị trường ngách của TP.HCM. Tuy nhiên, dù ngách nhưng tiềm năng rất lớn. Đặc biệt, mức giá ở khu vực này hiện tại còn khá mềm, tầm 40 - 50 triệu đồng/m2. Nhưng sau khi sáp nhập vào TP.HCM thì chắc chắn rằng mức giá này sẽ không còn trong tương lai gần. Bởi sau khi sáp nhập, sẽ có sự thay đổi đặc biệt về hạ tầng theo hướng hoàn thiện, có tính kết nối cao, giúp việc di chuyển từ Bình Dưỡng (cũ) vào TP.HCM dễ dàng hơn", TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đô thị tại Bình Dương sẽ trở thành một đô thị của TP.HCM, điều này sẽ làm giá trị bất động sản tăng lên, tương đương giá của các dự án trong lòng TP.HCM. Không chỉ giá, mà chất lượng của dự án cũng sẽ được nâng cấp, bởi lúc này dự án tại Bình Dương sẽ phải phục vụ đa dạng nhóm đối tượng chứ không chỉ là 2 nhóm đối tượng như trước.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, trước đây bất động sản Bình Dương chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ, còn kỳ vọng đầu tư lại hướng đến khách từ TP.HCM. Sự tách biệt giữa hai khu vực này khiến thị trường khó phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, nay khi TP.HCM và Bình Dương đã “quy về một mối”, sự hợp nhất này không chỉ tạo thuận lợi cho điều phối nguồn lực mà còn mở ra cơ hội tái định vị toàn diện thị trường. “Trước đây, đây là thị trường ngách với sản phẩm chủ yếu hướng ra ngoài. Nhưng giờ đây, khi trở thành một phần của siêu đô thị, nằm trong hệ sinh thái mở rộng của TP.HCM, thì vị thế đã hoàn toàn khác. Có thể nói ngắn gọn: thị trường giá ngách nhưng tiềm năng của một đại đô thị”, ông Doanh khẳng định.

Ở góc nhìn rộng hơn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt là TP.HCM và vùng liên kết, sẽ tiếp tục dẫn đầu về sức hấp dẫn trong thời gian tới. Ông chỉ ra ba yếu tố nền tảng:

Thứ nhất, TP.HCM có sức mua mạnh, cấu trúc phát triển rõ ràng và đặc thù vùng miền phong phú – điều mà các “đô thị đáng sống” khác chưa thể có được.

Thứ hai, khí hậu tốt, môi trường sống vui tươi và khả năng “chiều lòng” nhiều nhóm cư dân – từ người làm việc đến người cao tuổi, người ưu tiên sức khỏe. “Không khí xã hội ở TP.HCM tốt hơn hẳn Hà Nội – đây là nơi đáng sống, đáng làm việc và cũng đáng nghỉ ngơi”, ông nói.

Thứ ba, TP.HCM được xem là mảnh đất của “nghĩa tình và nghĩa khí” – nơi mà ai cũng có cơ hội “thử sức” và vươn lên. Đây chính là đặc điểm văn hóa – tinh thần tạo nên sức hấp dẫn dài hạn của đô thị này.