Đời sống

Tuyến đường cứu hộ hơn 750 tỷ đồng ở Huế ra sao sau nhiều năm chậm tiến độ?

Admin

Đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc (TP Huế) có mức đầu tư hơn 750 tỷ đồng nhưng thi công ì ạch suốt 13 năm hiện đang được đốc thúc để kịp

Diện mạo đường cứu hộ, cứu nạn hơn 750 tỷ ở Huế sau nhiều năm chậm tiến độ

Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc có chiều dài hơn 16km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1A, điểm cuối tại bãi biển xã Điền Lộc (nay phường Phong Phú, TP Huế) được phê duyệt ngày 24/07/2010.

Theo kế hoạch, tuyến đường phải được hoàn thành trong 3 năm kể từ ngày khởi công (năm 2012). Tuy nhiên, suốt 13 năm dự án vẫn chưa hoàn thiện.

Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, đến ngày 16/7, tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc cơ bản hoàn thành các hạng mục chính.

Nhiều đoạn tuyến của dự án đã hoàn thiện và thông xe như đoạn từ Km1+500 đến Km9+800, cầu Thiềm, cầu Bàu Bàng và cầu vượt đường sắt.

Hệ thống biển báo giao thông, vạch kẻ đường tại nhiều đoạn tuyến được lắp đặt hoàn tất.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Huế (chủ đầu tư), dự án hiện đạt hơn 82,4% khối lượng thi công, tổng giá trị thực hiện trên 515 tỷ đồng. Công trình đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, đưa vào khai thác trước dịp Quốc khánh 2/9 năm nay.

Theo kế hoạch, các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thành theo 2 mốc thời gian chính. Trong đó, trước ngày 15/7 tiến hành hoàn thiện đoạn từ Km0 đến Km1+500 (qua phường Phong Điền), cùng với đoạn từ Km9+258 đến Km12+937 và các công trình phụ trợ như điện chiếu sáng, cây xanh, nút giao dân sinh.

Ghi nhận tại đoạn tuyến từ Km14+500 đến cuối tuyến (Km16+252) ra biển Điền Lộc, các đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh hoàn thiện phần nền, mặt đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thi công điện chiếu sáng.

Theo chủ đầu tư, nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm là do dự án thuộc danh mục các tuyến đường cứu hộ - cứu nạn sử dụng vốn từ Chương trình đầu tư của Trung ương. Sau khi Chính phủ siết chặt đầu tư công, dự án buộc phải tạm dừng thi công.

Trước thực tế đó, tháng 1/2024, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế) quyết định điều chỉnh, bổ sung thêm hơn 100 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án nâng tổng mức đầu tư lên hơn 750 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm gần 630 tỷ đồng, đền bù giải phóng mặt bằng 84,705 tỷ đồng; chi phí khác, dự phòng gần 42 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư dự án, đến nay, tổng vốn bố trí là 666 tỷ đồng, giải ngân đạt hơn 630 tỷ đồng, tương đương 94,8% kế hoạch vốn.