Sáng 4/2, tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng đánh giá phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, vấn đề khó, nhạy cảm nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cần thiết thành lập Tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách giúp Ban Chỉ đạo.
Theo thông báo số 35/TB-VPCP ngày 7/2/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Petrovietnam làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, phấn đấu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2030, chậm nhất trước ngày 31/12/2031 để chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 85 năm ngày thành lập nước.
Việt Nam ước tính cần khoảng 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân. Trước đó, Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản và Nga tiếp tục hỗ trợ đào tạo, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng. Vào thời điểm nghiên cứu dự án này – năm 2011, EVN đã đàm phán với phía Nhật Bản để ký thỏa thuận hỗ trợ vốn, công nghệ. Tại kỳ họp lần thứ 7 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản vào tháng 12/2024, Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét, rà soát các cam kết đã ký trước đây, để tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam triển khai lại dự án. Và Phía Nhật Bản khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình tái xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Thực tế, Nhật Bản đã phát triển nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện hạt nhân, bao gồm lò phản ứng nước nhẹ (Light Water Reactor - LWR), lò phản ứng nước sôi (Boiling Water Reactor - BWR), và lò phản ứng nước áp lực (Pressurized Water Reactor - PWR).
Trong đó, với lò PWR, nước được bơm qua các thanh nhiên liệu hạt nhân để hấp thụ nhiệt sinh ra từ quá trình phân hạch. Nước sau đó được nén áp lực cao và truyền nhiệt cho nước thứ cấp để tạo ra hơi nước, quay tuabin và tạo điện. Lò PWR được biết đến với độ ổn định và an toàn cao. Với lò BWR, nước trực tiếp sôi và tạo ra hơi nước để quay tuabin. Mặc dù có thiết kế đơn giản hơn, BWR yêu cầu hệ thống an toàn phức tạp hơn để quản lý nhiệt độ và áp suất cao trong lò phản ứng.
Nhật Bản đã phát triển và triển khai các hệ thống I&C kỹ thuật số an toàn cho các cơ sở hạt nhân, thực hiện thành công các nâng cấp kỹ thuật số toàn diện cho các nhà máy được xây dựng, bao gồm lắp đặt bảng điều khiển chính, qua đó hiện đại hóa vận hành và cải thiện các giao thức an toàn.
Các kỹ sư Nhật Bản sử dụng các công cụ mô phỏng hiện đại để mô hình hóa hành vi của lò phản ứng trong nhiều kịch bản khác nhau. Các mô hình kỹ thuật số này giúp tối ưu hóa thiết kế lò phản ứng, bảo trì dự đoán và tăng cường các biện pháp an toàn bằng cách phân tích kỹ lưỡng các điều kiện vận hành tiềm năng và những bất thường có thể xảy ra.
Bên cạnh Nhật Bản, Nga sẵn sàng tham gia xây dựng ngành điện hạt nhân ở Việt Nam. Tại 13/1/2025, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) Alexey Likhachev đang thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ mong muốn phía Nga, cụ thể là Tập đoàn Rosatom hợp tác, hỗ trợ Việt Nam không chỉ phát triển năng lượng điện hạt nhân mà phát triển ngành khoa học công nghệ hạt nhân.
Theo CNN, Nga thống trị trên thị trường năng lượng hạt nhân, vượt qua Mỹ, “sản xuất gần như toàn bộ nguồn nhiên liệu của thế giới” cho các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). SMR là nguồn năng lượng nhỏ gọn và hiệu quả, vượt qua các nhà máy hạt nhân truyền thống khổng lồ về mặt năng lượng, mạnh hơn gấp ba lần.
Trong quá trình xây dựng, Nga thường áp dụng các mô hình 3D tiên tiến để thiết kế và thi công như xây nhà máy điện hạt nhân Akkuyu cho Thổ Nhĩ Kỳ. Công nghệ này tạo ra mô phỏng chính xác về cấu trúc, thiết bị và quy trình vận hành, cho phép kiểm tra và điều chỉnh thiết kế trước khi triển khai thực tế, giúp phát hiện và khắc phục các vấn đề tiềm ẩn từ sớm.
Hệ thống điều khiển và giám sát tại nhà máy điện hạt nhân được số hóa và tự động hóa, đảm bảo an toàn và hiệu quả cao. Công nghệ cho phép theo dõi và kiểm soát toàn bộ hoạt động của nhà máy từ xa, hỗ trợ giám sát liên tục và phát hiện sớm các bất thường. Các thuật toán tiên tiến cũng giảm thiểu rủi ro sự cố và đảm bảo phản ứng nhanh trong tình huống khẩn cấp.