Tập đoàn Việt Nam đầu tư 10.000 tỷ đồng xây nhà máy, cam kết cung cấp thứ quan trọng cho loạt dự án tỷ đô

Chủ tịch Tập đoàn này cho biết cam kết cung cấp đủ số lượng 10 triệu tấn vật liệu cho loạt dự án tỷ đô.

Hòa Phát đảm bảo cung cấp 10 triệu tấn thép cho Tổng Công ty đường sắt

Sáng nay 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Trong đó có sự tham dự của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát.

Tại đây, ông Trần Đình Long phát biểu: "Tôi nghĩ rằng mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế thì Hòa Phát cũng như vậy. Chúng tôi cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển tối thiểu 15%.

Hiện nay toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%. Nhân đây, tôi xin cảm ơn Bộ Công Thương đã tạo thuận lợi cho chúng tôi trong việc nhập khẩu".

Tập đoàn Việt Nam đầu tư 10.000 tỷ đồng xây nhà máy, cam kết cung cấp thứ quan trọng cho loạt dự án tỷ đô- Ảnh 1.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát phát biểu sáng 10/2. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhân dịp gặp gỡ Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng nêu kiến nghị về 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh. Theo ông Long, cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.

Đáng chú ý, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng nhắc đến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2025-2030 của Chính phủ dành cho các dự án đường sắt. Theo đó, các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có vốn đầu tư công rất lớn. Theo ông Long, đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hòa Phát nói: "Thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 ngàn tỉ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các DN yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Hòa Phát xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, HP cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu".

Loạt dự án đường sắt tỷ đô là cơ hội cho Hòa Phát và doanh nghiệp Việt

Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát, các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có vốn đầu tư công rất lớn là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.

Đường sắt đô thị Hà Nội

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410 km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200 km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: "Đường sắt đô thị là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao và là xương sống trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là với Hà Nội".

Tập đoàn Việt Nam đầu tư 10.000 tỷ đồng xây nhà máy, cam kết cung cấp thứ quan trọng cho loạt dự án tỷ đô- Ảnh 2.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Hanoi Metro

Thành phố phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 418 km, nhu cầu vốn 37 tỷ USD. Tuy nhiên, qua rà soát nguồn vốn đầu tư công và tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác, thành phố dự kiến cân đối được trên 28 tỷ USD, cần trung ương hỗ trợ hơn 8 tỷ USD.

Đến năm 2045, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến còn lại (200 km) để hoàn thành đưa vào vận hành, với nhu cầu vốn khoảng 18 tỷ USD. 

Đường sắt đô thị TP.HCM

Tại kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin về nội dung tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) Thành phố theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập đoàn Việt Nam đầu tư 10.000 tỷ đồng xây nhà máy, cam kết cung cấp thứ quan trọng cho loạt dự án tỷ đô- Ảnh 3.

Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HCMC Metro

Theo đó, Thành phố đề xuất đầu tư, hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355 km vào năm 2035 với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045, Thành phố sẽ hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết việc sớm phủ sóng mạng lưới metro nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai.

Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng

Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai có tổng chiều dài khoảng 403 km, bao gồm: tuyến chính dài 388 km và 2 tuyến nhánh dài 15 km.

Xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa, đường đơn, khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế tàu khách nhỏ hơn 200 km/h, các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh, tốc độ thiết kế 80 km/h. Phân kỳ trước mắt đầu tư hệ thống thông tin, tín hiệu và phương tiện để khai thác với tốc độ 160 km/h cho tàu khách và 120 km/h cho tàu hàng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (8,027 tỷ USD); hình thức đầu tư là đầu tư công. Sử dụng các nguồn vốn ngân sách, nguồn tăng thu tiết kiệm chi, nguồn thu từ phát triển quỹ đất, nguồn phát hành trái phiếu, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi với lãi suất hợp lý.

Tiến độ thực hiện dự kiến triển khai đầu tư năm 2026 và cơ bản hoàn thành xây dựng năm 2030.

Dự kiến, tại Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc cuối tháng 2 này, Chính phủ sẽ có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát từng chia sẻ rằng với vai trò là nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á và đứng trong top 50 thế giới, Tập đoàn Hòa Phát cam kết bốn điểm chính: Đảm bảo khối lượng theo yêu cầu; Duy trì tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; Đáp ứng đúng tiến độ giao hàng; Mức giá cạnh tranh, thấp hơn so với hàng nhập khẩu.

Hiện nay với công suất 8,5 triệu tấn thép mỗi năm, Hòa Phát đang là nhà cung cấp thép lớn nhất Đông Nam Á. Vì vậy, việc cung cấp hàng triệu tấn thép cho các dự án đường sắt hoàn toàn nằm trong khả năng của tập đoàn.


Link nội dung: https://thoibaovietnam.net/tap-doan-viet-nam-dau-tu-10000-ty-dong-xay-nha-may-cam-ket-cung-cap-thu-quan-trong-cho-loat-du-an-ty-do-a145284.html