Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Chính phủ đề xuất 10 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình đề xuất 10 nhóm cơ chế đặc thù để đạt mục tiêu đưa dự án vận hành trong 5 năm tới.

Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận- Ảnh 1.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: quochoi.vn)

Về đối tác thực hiện, Chính phủ đề nghị được triển khai đồng thời đàm phán với đối tác đã ký hiệp định liên Chính phủ, hoặc thỏa thuận về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân và hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu Nhà nước để tài trợ xây nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam với đối tác khác.

Với cơ chế, chính sách về lựa chọn nhà thầu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đề xuất cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án; cho phép áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và triển khai lựa chọn nhà thầu ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án.

Chính phủ cũng đề xuất được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính nêu trên với nhà thầu được nêu tên trong Hiệp định liên Chính phủ, theo quy trình chỉ định thầu rút gọn (được tổ chức đàm phán trực tiếp trên cơ sở dự thảo hợp đồng gửi cho nhà thầu).

" Cần thiết lựa chọn hợp đồng chìa khóa trao tay để đẩy nhanh tiến độ, do đặc thù nhà máy điện hạt nhân cần phải có nhiên liệu hạt nhân cho chu kỳ đầu, và chuyên gia vận hành bảo dưỡng trong giai đoạn đầu. Luật Đấu thầu chưa có quy định về lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu kết hợp chi phí đầu tư xây dựng và chi phí sản xuất kinh doanh (mua nhiên liệu hạt nhân và chuyên gia vận hành bảo dưỡng).

Việc lựa chọn nhà thầu theo trình tự quy định của Luật Đấu thầu sẽ kéo dài thời gian, không đáp ứng được tiến độ triển khai dự án đề ra ", Bộ trưởng Công Thương lý giải.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất cho phép được áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án; cho phép đàm phán trực tiếp, chỉ định thầu rút gọn với đối tác để mua nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy.

Chính phủ cũng đề xuất chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, chỉ định thầu rút gọn để thẩm định công nghệ, các báo cáo về môi trường, an toàn, an ninh, cũng như kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Lý giải rõ hơn cho đề xuất này, Chính phủ cho rằng với công tác thẩm định an toàn, an ninh, kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ không đủ nguồn lực thực hiện.

Các cơ quan chuyên môn khác tại Việt Nam cũng thiếu kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tiên này, do đó cần thiết phải thuê tư vấn quốc tế.

Vì vậy, Chính phủ nhận định, việc thực hiện lựa chọn nhà thầu theo trình tự quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ kéo dài thời gian, không đáp ứng được tiến độ triển khai dự án.

Với chính sách về trình tự thực hiện, Chính phủ đề xuất cho phép chủ đầu tư và đối tác thực hiện khảo sát, rà soát, cập nhật, hoàn thiện hồ sơ lập dự án đầu tư (FS), hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và các báo cáo chuyên ngành song song với quá trình đàm phán Hiệp định liên Chính phủ và đàm phán hợp đồng chìa khóa trao tay.

Đồng thời, Chính phủ đề xuất cho phép được áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện đề xuất áp dụng phù hợp với dự án điện hạt nhân mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính phủ cũng đề xuất cho phép được áp dụng các định mức, đơn giá trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện dự án.

Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Chính phủ đề xuất chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi. Chính phủ được dùng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công hoặc khoản vay quy mô nhỏ.

Với mức vốn đối ứng rất lớn, Chính phủ kiến nghị chủ đầu tư được phép dùng vốn vay, vốn trái phiếu (Chính phủ, Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu công trình, trái phiếu doanh nghiệp) làm vốn đối ứng.

Các ngân hàng trong nước được miễn áp dụng quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng với chủ đầu tư dự án, để cho vay vượt giới hạn phần vốn đối ứng cho dự án. Khoản này không tính vào tổng mức dư nợ tín dụng của các ngân hàng với chủ đầu tư, để không ảnh hưởng thu xếp vốn các dự án khác.

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam được đánh giá lại tài sản của các nhà máy điện đã hết khấu hao (gồm nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao từ chủ đầu tư, thủy điện đa mục tiêu). Chi phí này được đưa vào phương án giá bán lẻ điện, để bổ sung vốn tự có cho dự án.

Với Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, Chính phủ đề nghị cho được giữ lại 32% lãi được chia cho nước chủ nhà của các hợp đồng dầu khí và toàn bộ lãi từ hoạt động hàng năm của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Theo phương án Chính phủ đề xuất, chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại, để bổ sung vốn đối ứng trong thời gian thực hiện dự án.

Với tỉnh Ninh Thuận, hàng năm ngân sách Trung ương bổ sung mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp...

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận được đề nghị áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Trong đó: Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2030.

Link nội dung: https://thoibaovietnam.net/chinh-phu-de-xuat-loat-co-che-dac-thu-xay-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-a145372.html