Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt cần ứng phó ra sao?

Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam từ ngày 9/4, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chuyên gia khuyến nghị cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy nội lực kinh tế trong nước.

Mới đây, Mỹ đã công bố áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này được đánh giá có thể gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành hàng chủ lực như dệt may, gỗ, thép, linh kiện điện tử… 

Mức thuế này có thể làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời tác động đến việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược điều chỉnh, từ đa dạng hóa thị trường đến cải thiện chuỗi cung ứng để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Doanh nghiệp Việt đối mặt với áp lực lớn

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định rằng việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam là động thái đã được cảnh báo từ trước khi Mỹ đang chịu mức thâm hụt thương mại quá lớn với Việt Nam. Điều này đã khiến Mỹ siết chặt các biện pháp phòng hộ thương mại.

Ông Lạng nhận định, mức thuế cao như trên sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trở nên khó khăn hơn khi tiếp cận thị trường Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với áp lực cắt giảm chi phí sản xuất, từ nhân công, điện nước cho đến nguyên vật liệu để duy trì tính cạnh tranh.

Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt cần ứng phó ra sao?- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tuy nhiên, việc áp mức thuế cao cũng sẽ khiến giá nhập khẩu tại Mỹ tăng mạnh, điều này không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam mà còn có nguy cơ đẩy lạm phát tại Mỹ lên cao hơn do giá cả leo thang. Người tiêu dùng Mỹ cuối cùng sẽ phải gánh phần lớn chi phí gia tăng này khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhích lên.

Theo TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh, đối với việc Mỹ áp thuế đối ứng, Việt Nam đã kịch bản có dự trù từ trước, tuy nhiên vị chuyên gia cho rằng không ngờ con số quá cao như vậy, đây là một cú sốc đối với nền kinh tế.

Ông Linh cho rằng, trước mắt, động thái trên sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khi mức thuế tăng cao, lợi ích kinh tế của doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng, buộc họ phải tìm kiếm thị trường có mức thuế thấp hơn, thậm chí cân nhắc dịch chuyển dòng vốn đầu tư, gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, mức thuế cao cũng đặt không ít thách thức đối với những ngành có lợi thế xuất khẩu như thủy sản, nông nghiệp… có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá hàng hóa tăng cao, kéo theo nhu cầu tiêu thụ giảm.

Điều này không chỉ tác động đến doanh thu ngắn hạn mà còn ảnh hưởng đến các hợp đồng xuất khẩu trong tương lai, gây khó khăn cho việc duy trì nguồn thu ngoại tệ và lợi nhuận kinh doanh.

Tập trung thúc đẩy nội lực, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Trước tình hình này, theo ông Châu Đình Linh, thay vì hoang mang hoặc vội vã phản ứng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tìm kiếm các giải pháp thích ứng, cần theo dõi tình hình, xây dựng chính sách đối ứng linh hoạt và tìm kiếm hướng đi mới. Một trong những giải pháp quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Mỹ.

"Việt Nam cần thay đổi tư duy, mở rộng xuất khẩu sang nhiều quốc gia thay vì tập trung vào một số thị trường quen thuộc. Bên cạnh đó, hiện tại không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đang chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ, tạo cơ hội để các quốc gia này liên kết với nhau nhằm thích ứng với xu hướng bảo hộ thương mại. Việc ký kết các hiệp định song phương với những quốc gia cùng bị ảnh hưởng có thể mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt Nam", ông Linh đề xuất.

Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt cần ứng phó ra sao?- Ảnh 2.

Ts. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, vị chuyên gia nhấn mạnh, để phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung vào nội lực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân và ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất. Thay vì chỉ gia công và phụ thuộc vào dòng vốn FDI, doanh nghiệp trong nước cần gia tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao chất lượng để phục vụ người tiêu dùng toàn cầu.

Chính phủ cũng cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, bởi đây là động lực quan trọng giúp nền kinh tế linh hoạt thích ứng trước những bất ổn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có các giải pháp để đàm phán, thương lượng với Mỹ, cần có lộ trình để giảm thâm hụt thương mại song phương, đồng thời cởi mở hơn trong việc giảm chênh lệch thuế quan với hàng hóa Mỹ.

Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt cần ứng phó ra sao?- Ảnh 3.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chịu tác động lớn từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump.

Đồng quan điểm với ông Linh, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng Việt Nam cần chủ động triển khai các biện pháp cân bằng thương mại với Mỹ nhằm giảm áp lực thâm hụt.

Một trong những giải pháp khả thi là tăng cường nhập khẩu các mặt hàng giá trị lớn từ Mỹ như điện gió, điện khí, thiết bị y tế, dược phẩm, máy bay, tàu thủy... "Nếu Việt Nam có thể điều chỉnh cán cân thương mại, giảm mức thâm hụt xuống khoảng 50 tỷ USD, áp lực từ Mỹ có thể được giảm bớt", ông Lạng nói.

oanh nghiệp Việt Nam cũng nên cân nhắc phương án đầu tư trực tiếp vào Mỹ để hạn chế những tác động tiêu cực từ chính sách bảo hộ thương mại.

Để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp Việt, ông Lạng cũng khuyến nghị doanh có thể cân nhắc đến phương án đầu tư trực tiếp vào Mỹ để hạn chế những tác động tiêu cực từ chính sách bảo hộ thương mại.

Canada, Mexico không có trong danh sách thuế quan “Ngày giải phóng” của ông TrumpÔng Trump công bố kế hoạch thuế quan “có đi có lại”, cả thế giới bị gọi tên

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ, đối với mức thuế quan mới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. 

Do đó, ông cho rằng cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường cụ thể cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có các hướng tiếp cận thị trường mới.

Đồng thời, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp tự điều chỉnh, bao gồm tối ưu hóa chi phí sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ.

Theo ông Thành, một trong những hướng đi quan trọng là tập trung phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như công nghệ cao, sản xuất thông minh và các lĩnh vực có thể xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng ngoài Mỹ và Trung Quốc. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là bước đi chiến lược giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Link nội dung: https://thoibaovietnam.net/my-ap-thue-46-doanh-nghiep-viet-can-ung-pho-ra-sao-a152055.html