Báo động sầu riêng; bức xúc cả chợ Ninh Hiệp bán hàng giả

Trung tâm tài chính quốc tế đã làm là phải thành công; Đại biểu bức xúc vì chợ Ninh Hiệp bán công khai hàng giả, hàng nhái; hơn 10.400 người Bộ Tài chính nghỉ hưu trước tuổi; sầu riêng nhiễm chất cấm; đề xuất mức lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh thành... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thủ tướng: Trung tâm tài chính quốc tế đã làm là phải thành công

Chiều 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp, thảo luận, cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội - đây là dự thảo lần thứ 29 sau nhiều sửa đổi, bổ sung.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để trình Bộ Chính trị xem xét và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra; đồng thời xây dựng các nghị định chuyên ngành để sớm xây dựng, đưa vào vận hành trung tâm.

Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận về các vấn đề liên quan như: Mục tiêu của việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; các định hướng phát triển và lĩnh vực trọng tâm; thành viên, các sản phẩm chủ yếu của trung tâm tài chính; các chính sách, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thị thực; việc áp dụng thể chế, thông lệ quốc tế; vấn đề tự do hoá ngoại hối và hoạt động ngân hàng ; việc giải quyết tranh chấp theo chuẩn mực quốc tế…

Báo động sầu riêng; bức xúc cả chợ Ninh Hiệp bán hàng giả- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã xác định 2 mục tiêu 100 năm (đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao); muốn đạt được thì phải tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, tạo môi trường thuận lợi, ổn định bên trong và ổn định bên ngoài, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho phát triển nhanh, bền vững, ổn định để phát triển, phát triển để ổn định.

Để tăng trưởng 2 con số thì phải có vốn, trong khi chúng ta đang thiếu vốn, do đó phải xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quốc tế để bổ sung nguồn lực tài chính cho 2 mục tiêu 100 năm.

Thủ tướng nêu rõ, để đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thì môi trường pháp lý phải cạnh tranh, minh bạch, tiến bộ, thông thoáng; hạ tầng phải hiện đại, tiên tiến, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp xu thế thế giới và điều kiện cụ thể, hoàn cảnh Việt Nam; nhân lực phải chuyên nghiệp, chất lượng cao; có các điều kiện cần thiết để vận hành trung tâm; quản trị phải thông minh, hiện đại, phù hợp.

Đại biểu bức xúc vì chợ Ninh Hiệp bán công khai hàng giả , hàng nhái

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phản ánh, thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ghi nhận Chính phủ đã nhanh chóng mở đợt cao điểm tấn công hàng giả, song đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi xu hướng hàng giả ngày càng gia tăng, len lỏi khắp nơi, từ chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử đến các nền tảng mạng xã hội.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, trong đó có cả sữa giả, thuốc giả.

Đặc biệt, đại biểu bức xúc khi nhắc đến trường hợp chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội), bán nhiều hàng giả, hàng nhái, khi có đoàn kiểm tra, cả chợ đóng cửa. "Vai trò quản lý thị trường thế nào mà cả chợ bán công khai như thế?", nữ đại biểu đặt vấn đề.

Báo động sầu riêng; bức xúc cả chợ Ninh Hiệp bán hàng giả- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Như Ý.

Nhất trí với đánh giá của các đại biểu về việc cần thiết phải có những giải pháp căn cơ hơn để khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, “đây là vấn đề phải tính kỹ”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với hơn 100 triệu dân, chúng ta có thị trường nội địa rất lớn. Nhưng muốn người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì hàng hóa phải đảm bảo chất lượng.

Hơn 10.400 người Bộ Tài chính nghỉ hưu trước tuổi

Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 974 bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương (đợt 3).

Trong đợt này, Bộ Tài chính là đơn vị có số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất, lên tới hơn 10.400 người, với tổng kinh phí hơn 11.400 tỷ đồng, chiếm hơn 76% tổng kinh phí hỗ trợ.

Theo phương án sắp xếp bộ máy của Chính phủ, Bộ Tài chính được hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Cùng với đó, một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Giám sát tài chính quốc gia cũng chuyển về Bộ Tài chính. Cơ quan mới giữ tên là Bộ Tài chính.

Báo động sầu riêng; bức xúc cả chợ Ninh Hiệp bán hàng giả- Ảnh 3.

Bộ Tài chính được bổ sung hơn 11.400 tỷ đồng để thực hiện chế độ chính sách cho hơn 10.400 người nghỉ trước tuổi.

Từ 1/3, Bộ Tài chính sau hợp nhất có 35 đơn vị, trong đó có 7 đầu mối giảm từ mô hình Tổng cục xuống cấp Cục. Số đầu mối đã giảm 3.600 đầu mối cấp phòng, ban, tương đương 37,7%. Số lượng lãnh đạo cấp trưởng giảm tương đương với số lượng đầu mối giảm.

Sau khi hoàn thành việc hợp nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm nay số lượng công chức, viên chức, người lao động của ngành tài chính giảm 9.460 người, dự kiến năm 2026 tiếp tục giảm khoảng 10.000 người.

Sự thật đằng sau việc hơn 5 triệu hộ kinh doanh 'không chịu lớn'

Hơn 10 năm buôn bán văn phòng phẩm, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nội) nhiều lần nghĩ đến chuyện mở rộng sang in ấn, rồi đăng ký thành lập doanh nghiệp cho bài bản, nhưng rồi ý tưởng vẫn để đó.

“Nhiều người bảo lên doanh nghiệp đi cho dễ làm ăn lớn, cung ứng cho công ty, trường học thì phải xuất hoá đơn, nhưng tôi tìm hiểu thấy phức tạp, cứ làm nhỏ cho chắc. Sổ sách, thuế sẽ phát sinh rất nhiều nếu không còn nộp thuế khoán, riêng việc nhập mã hàng, kiểm kho vào phần mềm bán hàng đã lằng nhằng”, chị Hà lo ngại.

Báo động sầu riêng; bức xúc cả chợ Ninh Hiệp bán hàng giả- Ảnh 4.

Các hộ kinh doanh lâu nay vận hành đơn giản, ít ràng buộc về thủ tục và sổ sách.

Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, ước tính đóng góp khoảng 30% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động.

Làm so sánh đơn giản có thể thấy, hộ kinh doanh phổ biến đối với người dân Việt Nam đến mức nào. Bình quân, cứ khoảng 20 người dân Việt Nam thì có 1 người khởi nghiệp và kiếm sống bằng hình thức hộ kinh doanh, tương ứng 1 hộ kinh doanh/20 người dân. Hiện doanh nghiệp cả nước là hơn 940.000, tương ứng khoảng 106 người dân thì có 1 doanh nghiệp.

Trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam - nhận định: “Chính sách giảm thuế trong 3 năm là một bước đi tích cực, nhưng chưa đủ sức thuyết phục để hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Bởi lẽ, lợi ích từ việc miễn giảm thuế còn ở thì tương lai, trong khi chi phí tuân thủ phải trả đều đặn sau khi lập doanh nghiệp”.

Theo ông Bình, khu vực hộ kinh doanh rất đa dạng, từ quy mô lớn đến những hộ nhỏ lẻ, buôn bán chỉ đủ mưu sinh. Muốn khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp cần có khung pháp lý riêng, phù hợp hơn với đặc thù kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay; không thể lấy mô hình doanh nghiệp lớn, bài bản với bộ máy kế toán, hệ thống quản trị, giám đốc - ban kiểm soát - kế toán trưởng - báo cáo tài chính phức tạp để áp cho hộ bán bún hay người khởi nghiệp.

“Sửa đổi Luật Doanh nghiệp hoặc xây dựng một luật riêng cho doanh nghiệp cá thể. Tên gọi thôi cũng quan trọng, thay vì doanh nghiệp tư nhân hãy gọi là doanh nghiệp cá thể để gần gũi hơn. Tên gọi phù hợp sẽ kéo theo hệ thống quy định phù hợp”, ông Bình đề xuất.

"Báo động đỏ" sầu riêng Việt Nam

Ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp Hội Sầu riêng Đắk Lắk, nơi có diện tích, sản lượng sầu riêng lớn nhất nước - vừa gửi “tâm thư” lên Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Môi Trường Đỗ Đức Duy.

Trong “tâm thư”, ông Côn cho biết Trung Quốc là thị trường chính cho trái cây tươi Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng. Sau khi ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật, sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 3,2 tỷ USD, cho thấy đây là ngành tiềm năng cần đầu tư vào quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy đóng gói an toàn thực phẩm và quy trình xuất khẩu minh bạch, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Báo động sầu riêng; bức xúc cả chợ Ninh Hiệp bán hàng giả- Ảnh 5.

Xuất khẩu sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên từ năm 2024 đến nay, Trung Quốc phát hiện sầu riêng Việt Nam và Thái Lan nhiễm cadimi. Từ đó, đối tác yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm cadimi và vàng O mới được thông quan. Nếu phát hiện tồn dư, mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng sẽ bị phía Trung Quốc đình chỉ.

Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, đến nay có khoảng 55 mã số vùng trồng và 61 mã cơ sở đóng gói sầu riêng bị thu hồi. Từ tháng 9/2023 đến nay, Trung Quốc không chấp thuận thêm vùng trồng và cơ sở đóng gói nào.

Cả nước có 150.000 ha sầu riêng, nhưng hiện chỉ khoảng 20% diện tích được cấp mã số vùng trồng.

Về việc sầu riêng Việt Nam liên tục vi phạm an toàn thực phẩm (Cadimi, vàng O), Tiền Giang là tỉnh có nhiều mã số bị thu hồi. Lý do Cadimi được phát hiện trong đất vượt ngưỡng cho phép. Chưa hết, trong phân bón hữu cơ và vô cơ cũng bị phát hiện có Cadimi.

Hoạt động mua bán mã số tự do bằng hình thức "ủy thác xuất khẩu" tại cửa khẩu bị lợi dụng. Điều này khiến nước nhập khẩu không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ các lô hàng không đúng mã số. Các doanh nghiệp và hợp tác xã có mã số bị lợi dụng không hay biết, chỉ khi bị mất mã số họ mới nhận ra nhưng không có cách nào để lấy lại.

Tại Đắk Lắk, trong thời gian Trung Quốc kiểm soát chặt, các xe hàng từ Tiền Giang đã được chuyển đến các cơ sở có mã số tại Đắk Lắk. Hàng hóa được mở ra để kiểm nghiệm và lấy mẫu với yêu cầu ghi rõ số container, mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến các mã số tại các địa phương khác.

Link nội dung: https://thoibaovietnam.net/bao-dong-sau-rieng-buc-xuc-ca-cho-ninh-hiep-ban-hang-gia-a159025.html