Mỹ phẩm “hiệu”, thử thoải mái
Trưa 6/7, tại một hàng mỹ phẩm di động trong chợ Bà Hoa (phường Bảy Hiền), tiểu thương liên tục chào mời khách đến lựa chọn và mua mỹ phẩm vừa mới về với số lượng giới hạn. Trên tấm bạt nhựa, hàng trăm loại mỹ phẩm từ kem dưỡng, phấn trang điểm, nước hoa, sữa tắm, dầu gội, sơn móng tay… có giá chưa tới 100.000 đồng mỗi sản phẩm.

Một shop mỹ phẩm hàng hiệu, giá chỉ từ 20.000 - 100.000 đồng/sản phẩm tại chợ Bà Hoa
Chị Mỹ Lan (41 tuổi, nhân viên văn phòng) thấy nhiều sản phẩm có thương hiệu quen, liền cầm xem và hỏi giá. “Tôi rất bất ngờ khi chai nước hoa toàn thân được người bán báo giá chỉ 80.000 đồng. Các loại sữa rửa mặt, sữa tắm của Mỹ, Hàn Quốc cũng tầm giá đó. Người bán cho mở nắp và thử thoải mái nhưng xịt chỉ có mùi ngai ngái, mới bóp nhẹ nhưng nước chảy tràn, không giống sản phẩm tôi mua ở cửa hàng chính hãng” – chị Lan cho biết.
Theo lời người bán, họ có mối mua được các sản phẩm xách tay, mỗi mặt hàng chỉ có 1 – 2 sản phẩm và loại nào cũng bán rất chạy. “Chai sữa rửa mặt này tôi còn đúng một chai, giá 100.000 đồng. Hàng xịn giá rẻ nên bán chạy lắm” – người phụ nữ chìa chai sửa rửa mặt có tem nhãn cũ sờn, đã bong tróc gần hết và không thấy được tên thương hiệu chào mời.

Chai nước hoa toàn thân giá chưa tới 100.000 đồng này có mùi ngai ngái, nước chạy tràn khi xịt thử
Tại chợ Bàn Cờ (phường Bàn Cờ) có gần chục quầy mỹ phẩm được trải sơ sài trên bạt nhựa ngay trong lòng chợ. Hầu như “sạp mỹ phẩm” nào cũng có khách. Chị em ngồi xung quanh trên chiếc ghế nhựa nhỏ, thử từng sản phẩm, thấy thích cái nào thì mua, không ưng trả lại. “Tôi chọn được mấy hũ kem dưỡng da xịn lắm, mua mà không cần hỏi giá vì loại nào cũng tầm vài chục ngàn đồng. Mua nhiều còn được giảm giá” – một khách hàng nữ vui vẻ khoe.
Theo quan sát của PV Tiền Phong, hầu như không có khách hàng nào đặt vấn đề hàng thật, hàng nhái . Điều người mua thường hỏi người bán là sản phẩm của nước nào, sử dụng ra sao, giá cả… Và tất cả thông tin đều do người bán nói miệng bởi trên sản phẩm chỉ có tiếng nước ngoài, thậm chí còn không rõ chữ để đọc được.
“Ôm hận” mua hàng online
Trong khi đó, hàng giả hàng nhái cũng được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), trang mạng xã hội cá nhân trên Facebook, Zalo… Hầu như ở bất kỳ khung giờ nào, người dùng cũng đều thấy các quảng cáo từ mắt kính, quần áo, túi xách… của những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài nhưng được chào bán với giá chỉ từ 100.000 – 200.000 đồng/sản phẩm (tùy loại).

Mua "hàng hiệu" được mở nắp ngửi, test thử trên da miễn phí tại chợ truyền thống
“Mình thấy người ta giới thiệu mẫu cặp học sinh màu đen rất đẹp của nước ngoài, giá bán chỉ 87.000 đồng nên đã đặt mua. Mới dùng được vài ngày đã sứt chỉ, bung quai. Trước đó mình cũng đặt mua đôi giày thể thao có giá 200.000 đồng kèm khuyến mãi “mua 1 tặng 1”. Mới mang một lần đã hở keo…” – em Tấn Minh (học sinh lớp 10) kể về trải nghiệm “đáng nhớ” khi mua hàng online.
Chị Trà My (công nhân) cũng “ôm hận” vì đã đặt mua điện thoại trên một sàn TMĐT vì được quảng cáo đang chạy chương trình khuyến mãi khủng. “Chiếc điện thoại có giá khoảng 3 triệu đồng được giới thiệu hàng chính hãng. Lúc nhận hàng thì thấy sản phẩm giống với quảng cáo, máy chạy khá tốt. Chưa được nửa tháng, điện thoại liên tục bị lỗi, màn hình chập chờn, không nghe gọi được… Người bán từ chối bảo hành, nói lỗi do người dùng. Mang đi sửa, thợ bảo đây là hàng nhái được làm giả tinh vi như hàng thật , không thể sửa và cũng không ai dám mua lại” – chị My cho hay.
Hàng giả, thiệt hại thật
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Sở Công Thương TPHCM cho biết, chỉ trong 6 tháng năm 2025, đơn vị đã xử lý hơn 500 vụ vi phạm, xử phạt gần 20 tỷ đồng, thu giữ hàng ngàn sản phẩm kém chất lượng.

Tại chợ Bàn Cờ có rất nhiều quầy hàng được bày trên tấm bạt nhựa, bán đủ các loại mỹ phẩm được quảng cáo là "hàng hiệu", từ nước hoa, sữa tắm đến kem dưỡng da....
Theo ông Huy, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, từ ẩn danh, giao dịch qua tin nhắn riêng đến sử dụng từ lóng để qua mặt khâu kiểm duyệt. Công nghệ làm hàng giả, hàng nhái ngày càng phát triển . Hàng giả rất giống hàng thật, từ bao bì, tem mác đến mã code, khó có thể phân biệt bằng mắt thường. Hậu quả không chỉ là sự tổn hại về kinh tế và niềm tin mà còn kéo theo nguy cơ mất kiểm soát trong công tác bảo vệ người tiêu dùng , đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ em và người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa.
“Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi thường bị chống đối, bất hợp tác từ các đối tượng vi phạm. Tại các khu vực tập trung kinh doanh hàng giả, các đối tượng bố trí người quan sát, cảnh giác, thông báo trước giúp các sạp hàng vi phạm kịp thời đóng cửa đối phó” – ông Huy nói.
Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam được ghi nhận là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn len lỏi qua các sàn thương mại điện tử. Một số KOC (người có ảnh hưởng trong cộng đồng) tiếp tay quảng bá cho sản phẩm không đạt chuẩn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng bị “mù mờ” trong thông tin, bị đánh lừa bởi hình ảnh, nội dung quảng cáo được dựng sẵn.

Hàng trăm loại mỹ phẩm "xịn" giá bèo bày bán ở nhiều chợ tại TPHCM
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM thừa nhận, công tác xử lý vi phạm trong môi trường mạng đang gặp vô vàn trở ngại. Khó nhất là việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm. Nhiều tài khoản mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài nên việc yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm gần như là bất khả thi. Không ít trường hợp bị cơ quan chức năng mời làm việc thì các đối tượng đã nhanh chóng tháo gỡ sản phẩm, xóa bài đăng, đóng tài khoản…
“Chính những nguyên nhân này càng khiến cuộc chiến chống hàng giả vô cùng gian nan” – bà Lan nói.
Mới đây, TPHCM đã phát động Chương trình “Tick xanh trách nhiệm thương mại điện tử” – một sáng kiến nhằm định hình lại tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm trong toàn bộ hệ sinh thái TMĐT Việt Nam. Theo đó, cộng đồng người tiêu dùng có quyền phản ánh, tố giác hành vi sai phạm. Các đơn vị tham gia nếu vi phạm có thể bị cảnh báo, thu hồi tick xanh, công khai vi phạm hoặc loại khỏi hệ thống.
Trước thực trạng nhức nhối, UBND TPHCM vừa có công văn yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, như Sở Công Thương, Công an TPHCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Hải quan Khu vực II, Thuế Khu vực II… tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại , hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc. Mục tiêu nhằm phát hiện sớm những bất cập để kiến nghị điều chỉnh chính sách, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, siết chặt khâu hậu kiểm.