Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu: Bộ Tài chính có báo cáo mới

Liên quan đến vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra, rà soát quy trình lựa chọn nhà thầu.

Kiến nghị trên được nêu tại báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai). Đây là gói thầu liên quan đến việc trước đó Tập đoàn Sơn Hải đã có kiến nghị xem xét khi doanh nghiệp này bị trượt thầu dù giá dự thầu thấp nhất.

Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu: Bộ Tài chính có báo cáo mới- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai).

Trước đó, ngày 29-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên Bộ Tài chính - Xây dựng để tổ chức kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thi công Dự án nêu trên, theo nguyên tắc "công bằng, khách quan, minh bạch và hiệu quả kinh tế; đảm bảo tính đúng đắn trong chủ trương phân cấp tối đa cho địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính ngày 2-6 đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, bao gồm đại diện Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng. Do thời hạn báo cáo gấp (trước ngày 10-6), Tổ công tác chỉ có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp trong 2 ngày tại địa phương.

"Gói thầu có quy mô lớn, hồ sơ dự thầu phức tạp, nhiều nhà thầu tham gia, nên quá trình kiểm tra tập trung vào các nội dung trọng điểm: Tính hợp lệ của hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, các kiến nghị từ nhà thầu và nội dung liên quan đến thiết bị thi công, vật tư, năng lực tổ chuyên gia"- báo cáo của Bộ Tài chính nêu.

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn và cần có thêm ý kiến chuyên môn về kiểm định thiết bị thi công, nên báo cáo ban đầu của Bộ Tài chính chỉ phản ánh những tồn tại, hạn chế chứ chưa đưa ra kết luận cụ thể. Việc này nhằm đảm bảo đúng tinh thần phân cấp của Chính phủ - tức là để địa phương xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về quá trình lựa chọn nhà thầu.

Bộ Tài chính cho biết việc thực hiện này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 85 Luật Đấu thầu. Cụ thể, UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức quản lý hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý, bao gồm cả việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, xử lý vi phạm pháp luật.

Đến ngày 1-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục có chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo rõ hơn, có kết luận và kiến nghị cụ thể liên quan đến nội dung đã kiểm tra.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổ công tác tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn về: Ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM); Máy móc thiết bị thi công; Vật tư chính được đưa vào thi công; Năng lực và kinh nghiệm của tổ chuyên gia; Kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) và quá trình trình phê duyệt kết quả.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai), Bộ Tài chính kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai tiếp thu các ý kiến chỉ ra trong báo cáo của Bộ Tài chính để rà soát lại toàn bộ quy trình lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp cần thiết, có thể thuê đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện lại quy trình đánh giá.

Nếu kết quả đánh giá lại hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) cho thấy nhà thầu trúng thầu không còn phù hợp, hoặc tất cả nhà thầu không đáp ứng, UBND tỉnh cần thực hiện biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu theo Điều 18 Luật Đấu thầu. Tùy tình hình, địa phương có thể tổ chức đấu thầu lại hoặc phê duyệt kết quả mới.

Trong trường hợp kết quả đánh giá lại không thay đổi kết quả ban đầu, chủ đầu tư cần nhanh chóng ký kết hợp đồng và triển khai thi công. Trong mọi trường hợp, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật, tiến độ, tài chính và chất lượng.

UBND tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai) chịu trách nhiệm toàn diện về toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng tinh thần phân cấp "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, trong trường hợp có yêu cầu, UBND tỉnh có thể trao đổi với Bộ Xây dựng hoặc các bộ ngành liên quan để xác định rõ yêu cầu về tài liệu kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của thiết bị thi công, bảo đảm tính hợp pháp và đầy đủ theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính nêu rõ, việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu Sơn Hải cần được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy định pháp luật. Việc xử lý kiến nghị cần dứt điểm, tránh kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Trước đó, Tập đoàn Sơn Hải gửi văn bản phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu tại dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư.

Doanh nghiệp này cho biết đã đưa ra giá dự thầu thấp nhất (hơn 732 tỉ đồng, tiết kiệm ngân sách hơn 148 tỉ đồng) nhưng vẫn trượt thầu. Đơn vị trúng thầu là một nhà thầu liên danh có giá dự thầu cao hơn (hơn 866 tỉ đồng).

UBND tỉnh Bình Phước (cũ) sau đó đã có văn bản trả lời kiến nghị của Tập đoàn Sơn Hải liên quan gói thầu xây dựng cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, kết luận việc đánh giá E-HSDT của chủ đầu tư/tổ chuyên gia là đảm bảo theo quy định. Các kiến nghị của Tập đoàn Sơn Hải là không phù hợp.

Link nội dung: https://thoibaovietnam.net/vu-tap-doan-son-hai-truot-thau-bo-tai-chinh-co-bao-cao-moi-a163314.html