Các nguồn tin cho biết chính phủ Anh yêu cầu quyền truy cập toàn diện, thay vì chỉ truy cập vào một số tài khoản nhất định đối với các dữ liệu đang được lưu trữ trên đám mây mã hóa của Apple.
Theo Washington Post, mặc dù các chính phủ thường xuyên yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp dữ liệu người dùng để phục vụ cho các vụ án hình sự, nhưng yêu cầu toàn diện của Vương quốc Anh là điều chưa từng có tiền lệ tại các quốc gia phương Tây.
Yêu cầu của Vương quốc Anh dựa trên Đạo luật Quyền điều tra năm 2016, trong đó cho phép chính phủ sử dụng quyền hạn để chặn và thu thập thông tin liên lạc.
Trong khi các quan chức an ninh cho rằng tính năng mã hóa dữ liệu làm khó khăn việc đấu tranh với tội phạm, thì các doanh nghiệp công nghệ lại lập luận rằng họ cần bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Hiện tại, người dùng iPhone, Mac và các thiết bị khác của Apple được đảm bảo rằng chỉ họ, mà không ai khác, kể cả Apple, mới có thể mở khóa dữ liệu lưu trữ trên đám mây.
Hầu hết người dùng Apple sử dụng các tính năng bảo mật phổ biến như xác thực hai yếu tố, tuy nhiên, một số ít người có nhu cầu sử dụng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như tính năng Bảo vệ dữ liệu nâng cao.
Năm ngoái, trong quá trình Vương quốc Anh tham vấn sửa đổi Đạo luật 2016 để đáp ứng sự thay đổi của công nghệ và các mối đe dọa trực tuyến, Apple đã khẳng định không bao giờ xây dựng "cửa sau" trong các sản phẩm của mình.
Một đạo luật khác của Vương quốc Anh được thông qua vào năm 2023 - Đạo luật An toàn trực tuyến - yêu cầu các nền tảng số phải có biện pháp ngăn chặn nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, cũng đã vấp phải sự phản đối từ các công ty công nghệ.
Các công ty như WhatsApp của Meta và Signal cho rằng đạo luật này đe dọa tính năng mã hóa đầu cuối - công nghệ nền tảng bảo mật trên các dịch vụ nhắn tin của họ.
Vào năm 2016, Apple đã chiến thắng trong việc chống lại yêu cầu từ chính phủ Mỹ, yêu cầu mở khóa chiếc iPhone mã hóa của kẻ xả súng trong vụ thảm sát tại San Bernardino, California.