Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đối tượng trong vụ án là Công ty Rance Pharma địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội và Công ty Hacofood Group, địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội cùng một số công ty khác có liên quan trực tiếp.
Sau khi nắm được thông tin, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã rà soát và phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong Bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty trên sản xuất.
Mặc dù chưa có thông tin của cơ quan chức năng về sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus là sữa giả hay không, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người bệnh, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo dừng sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus và thu hồi sản phẩm này để trả lại đơn vị cung ứng.
Đồng thời, chỉ đạo liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để khuyến cáo dừng sử dụng, yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người bệnh.
Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cho biết, sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được sử dụng trong Bệnh viện đã trải qua quá trình đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của pháp luật.
Do vậy, sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus nếu được cơ quan chức năng của Nhà nước kết luận là sản phẩm giả thì Bệnh viện và người bệnh là bên bị hại của vụ việc này.
Nhất quán thực hiện phương châm “lấy người bệnh là trung tâm”, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ thường xuyên cải tiến quy trình và tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc toàn diện người bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh được thực hiện tốt nhất, đại diện Bệnh viện khẳng định.
Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ này, để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, trong đó có sữa giả.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Hiền Minh