Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đang khiến cộng đồng doanh nghiệp xôn xao. Dù đối tượng chịu tác động trực tiếp là các ngành như dệt may, da giày, điện tử gia công… nhưng hiệu ứng domino đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho toàn nền kinh tế – trong đó có ngành truyền thông, quảng cáo.
Ông Phạm Ngọc Linh, Founder & CEO của Unique Media Group, đã có chia sẻ thẳng thắn trước làn sóng biến động này. Theo ông Linh, thay vì bi quan, ngành truyền thông có thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” nếu biết nắm bắt cơ hội từ chính thách thức.
Ông Linh cho rằng lo ngại về việc các doanh nghiệp xuất khẩu cắt giảm ngân sách quảng cáo là có cơ sở, nhưng không đáng kể.
“Thường nhóm doanh nghiệp này ít chi tiền cho hoạt động truyền thông và quảng cáo tại Việt Nam. Có chăng cũng chỉ là lác đác vài bảng tại sân bay hoặc cao tốc để khẳng định vị thế với đối tác nước ngoài. Phần nhiều là không quảng cáo, chẳng truyền thông”, ông nhận định.
Nguyên nhân là phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam hoạt động theo mô hình gia công (ODM/OEM), sản xuất dưới thương hiệu của đối tác toàn cầu. Đơn hàng đến từ chuỗi cung ứng toàn cầu, không cần quảng cáo tới người tiêu dùng Việt.
Tuy nhiên, khi xuất khẩu gặp khó, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải chuyển hướng vào thị trường nội địa để duy trì dòng tiền và tăng trưởng. “Đây là cơ hội lớn cho ngành truyền thông, đặc biệt là mảng quảng cáo ngoài trời. Các thương hiệu sẽ tăng cường hiện diện tại các thành phố lớn để giữ thị phần”, ông Linh nói.
Theo ông, giai đoạn này sẽ cần những chiến dịch gần gũi, sáng tạo và đánh trúng tâm lý người tiêu dùng Việt – tạo ra dư địa tăng trưởng mới cho các công ty truyền thông trong nước.
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận ngành truyền thông cũng sẽ đối mặt với những khó khăn khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu, tâm lý thị trường dè chừng và niềm tin tiêu dùng giảm. Tuy nhiên, đây là lúc các doanh nghiệp truyền thông nên thay đổi.
“Hãy đưa ra các gói quảng cáo linh hoạt, tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa vượt khó. Tăng cường sáng tạo, đánh trúng insight và truyền tải thông điệp hiệu quả với ngân sách thấp – đó là bài toán mới, nhưng không phải không có lời giải”, Founder của Unique cho hay.
Một trong những mối lo lớn hơn là khi làn sóng suy giảm từ xuất khẩu lan sang các ngành có ngân sách quảng cáo lớn như hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bán lẻ, bất động sản…
“Nếu niềm tin tiêu dùng giảm, lao động thất nghiệp, chi tiêu khan hiếm như thời Covid, thì ngân sách truyền thông sẽ bị siết chặt. Đó là lúc bất động sản đóng băng, chứng khoán tăng vọt, coin nổi sóng, lùa gà nhộn nhịp… kéo theo những hệ lụy khôn lường” – ông chia sẻ.
Mặt khác, vị chuyên gia cũng bày tỏ sự lạc quan: “Ngành truyền thông, quảng cáo từng sống sót qua đại dịch, giờ không lý gì lại gục ngã vì thuế. Biết đâu khó người lại là dễ ta, miễn là dám đổi mới, thích nghi và giữ tinh thần tích cực.”