Conic Boulevard

Chuyển cả "thành phố iPhone" từ Trung Quốc sang Việt Nam có phải lựa chọn tốt của Tim Cook lúc này?

Admin
Việc đa dạng hóa hoạt động lắp ráp sản phẩm sang các quốc gia có chi phí thấp khác, bao gồm Ấn Độ và Việt Nam, có thể giúp Apple tránh được một số tác động của thuế quan Trung Quốc.

Những chiếc máy bay chở đầy iPhone đã rời khỏi sân bay Chennai ở miền nam Ấn Độ trong nhiều tháng, một nỗ lực cuối cùng của Apple nhằm trì hoãn thảm họa thuế quan.

Nhưng thời gian đang cạn dần đối với công ty lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc đang bất hòa và Apple bị kẹt ở giữa.

Pháo đài không thể dịch chuyển

Khi Tổng thống Trump châm ngòi cho cuộc chiến thương mại vào tuần trước, rõ ràng Apple là công ty có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Trump nhắm vào Trung Quốc, pháo đài sản xuất chủ lực của Apple, áp thuế 54% lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng vọt lên 145% trong bối cảnh trả đũa ăn miếng trả miếng.

Con số đầu đe dọa cắt sâu vào biên lợi nhuận lớn của Apple từ các thiết bị do Trung Quốc sản xuất được bán tại Mỹ. Con số cao hơn có thể xóa sổ tất cả.

Chuyển cả "thành phố iPhone" từ Trung Quốc sang Việt Nam có phải lựa chọn tốt của Tim Cook lúc này?- Ảnh 1.

Giống như Nike và các thương hiệu hàng đầu khác của Mỹ, Apple trở thành công ty tiên phong trong xu hướng toàn cầu hóa khi hợp lực với Trung Quốc.

Trước đó nhiều năm, một giám đốc điều hành trẻ tuổi tên là Tim Cook đã nhận ra tiềm năng của lực lượng lao động giá rẻ và nhiệt huyết của đất nước này. Ông đã xây dựng một chuỗi cung ứng khổng lồ tại đây và trở thành giám đốc điều hành của Apple trong suốt chặng đường.

Hơn một triệu công nhân sản xuất các thiết bị tiên tiến theo quy trình chặt chẽ. Công việc của họ là một trong những mối liên kết kinh tế mạnh mẽ nhất giữa hai siêu cường thế giới.

Cook đã khéo léo cân bằng ở hai quốc gia để bảo vệ sáng tạo của mình, đầu tư chiến lược vào Trung Quốc để lấy lòng và nỗ lực có được miễn trừ thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Giờ đây, Apple bị mắc kẹt. Chuỗi cung ứng tại Trung Quốc của họ quá lớn và phức tạp, không thể dễ dàng chuyển dịch. Công ty đang nghiên cứu cách có thể chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang Mỹ, nhưng việc này có thể mất nhiều năm.

Việc đa dạng hóa hoạt động lắp ráp sản phẩm sang các quốc gia có chi phí thấp khác, bao gồm Ấn Độ và Việt Nam, có thể giúp Apple tránh được một số tác động của thuế quan Trung Quốc, nhưng không thể bù đắp được sự phụ thuộc vào quốc gia tỷ dân, nơi nhiều bộ phận quan trọng bên trong thiết bị sẽ tiếp tục được sản xuất.

Cook đã nói rằng Apple sẽ gặp khó khăn khi sản xuất iPhone tại Mỹ. Không có đủ lao động, cả có tay nghề và không có tay nghề. Ngay cả khi có, giá sẽ quá đắt. Một chiếc iPhone "hoàn toàn Mỹ" dễ có mức giá 3.500 USD.

"Trung Quốc mất 40 năm để xây dựng một chuỗi cung ứng sản xuất phức tạp", Doug Guthrie, giáo sư tại Đại học bang Arizona, cho biết. "Chúng ta (Mỹ) đã từng có điều đó. Thật là thảm họa khi để mọi thứ trôi qua".

Chuyển cả "thành phố iPhone" từ Trung Quốc sang Việt Nam có phải lựa chọn tốt của Tim Cook lúc này?- Ảnh 2.

Hy vọng cuối cùng và tốt nhất của công ty để tránh sự hỗn loạn thị trường tiếp theo nằm ở Cook và khả năng đảm bảo một miễn trừ thuế quan khác. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là giải pháp vá víu tạm thời trong rạn nứt ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nếu không có ngoại lệ, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho iPhone, iPad và máy Mac, hoặc biên lợi nhuận đáng kể của Apple cũng như lợi nhuận từ cổ phiếu mà công ty nắm giữ sẽ giảm xuống. Rất có thể là cả hai.

Thành phố iPhone

Một lý do khiến Apple gắn bó chặt chẽ với chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc là vì chính công ty đã giúp xây dựng chuỗi cung ứng này.

Apple bắt đầu làm việc với các nhà cung cấp Trung Quốc cách đây hơn hai thập kỷ và tăng sản lượng vào năm 2004 khi một sản phẩm mới là iPod, cất cánh. Công ty nhận được sự giúp đỡ từ một chính phủ thân thiện và Apple đào tạo các nhà cung cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của mình.

Theo thời gian, Apple giúp xây dựng một hệ sinh thái gồm hơn 1.000 nhà cung cấp tại Trung Quốc. Nhà sản xuất iPhone đã dạy họ cách hoạt động hiệu quả hơn, vì vậy họ cạnh tranh với nhau, giúp giảm chi phí của Apple. Đối tác sản xuất của Apple là Foxconn đã xây dựng một khu phức hợp lớn ở Trịnh Châu đến nỗi nơi này được gọi là "Thành phố iPhone".

Các quốc gia khác không đáp ứng được một hình mẫu trung tâm sản xuất tương tự. Ấn Độ có rất nhiều công nhân, nhưng tình trạng quan liêu có thể khiến việc dịch chuyển gấp rút trở nên khó khăn.

Khi Stephan Kruger làm việc trong chuỗi cung ứng của Apple từ năm 2014 đến năm 2018, ông đã tận mắt chứng kiến những lợi thế của sản xuất tại Trung Quốc.

Chuyển cả "thành phố iPhone" từ Trung Quốc sang Việt Nam có phải lựa chọn tốt của Tim Cook lúc này?- Ảnh 3.

Kruger kể lại thời điểm giúp các nhà cung cấp đẩy nhanh quá trình sản xuất "taptic engine" của iPhone - bộ phận rung và phản hồi xúc giác, chỉ trong vòng vài tháng.

Đầu năm, ông làm việc với các nhà cung cấp để đưa máy móc vào vị trí, thử nghiệm và cải tiến quy trình sản xuất để Apple sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất vào cuối mùa hè, trước sự kiện iPhone thường niên vào tháng 9.

Không có bước nào trong quy trình có thể sánh được ở Mỹ. Nó đòi hỏi những công nhân lành nghề ở khâu đầu, những người có thể lắp đặt máy để dập các bộ phận kim loại. Những công nhân đó cũng đào tạo những công nhân có tay nghề thấp trong quy trình sản xuất.

Thứ Apple cần không chỉ là những công nhân lành nghề mà cả những lao động có trình độ thấp.

Ở Trung Quốc không chỉ có nguồn cung dồi dào mà còn có hệ thống lao động lưu động, những người chỉ làm việc thời vụ trong vài tháng. Đội quân này triển khai để giúp Apple tăng khối lượng sản xuất trước mùa lễ ở Mỹ, sau đó rút lui khi khối lượng giảm, hạn chế chi phí cho Apple.

Khi Cook kế nhiệm Steve Jobs tại Apple, nhiều người thường chỉ trích người đàn ông thầm lặng này đã không thể phát triển di sản của Jobs bằng một sản phẩm bom tấn của riêng mình.

Ít ai đánh giá cao chiến lược thiên tài về chuỗi cung ứng của Cook thực tế có thể sánh ngang với những sản phẩm vi diệu dưới thời Jobs. Cook đã hoàn thiện "bom tấn" của riêng mình bằng các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ, mang lại mức tăng trưởng doanh thu khổng lồ.

Năm ngoái, Apple đã bán được 233 triệu chiếc iPhone, tăng từ 93 triệu chiếc vào năm Cook trở thành CEO. Vào tháng 12, vốn hóa thị trường của công ty đạt đỉnh gần 4 nghìn tỷ USD và là công ty lớn nhất thế giới trong hầu hết thập kỷ qua.

Di sản của Cook là đáng nể, dẫu chúng đang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.