Conic Boulevard

Kinh tế Việt Nam trước thuế đối ứng Hoa Kỳ: 'Mục tiêu tăng trưởng 8% không hoàn toàn bất khả thi'

Admin
Sáng 18/4, tại Hội thảo "Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam", các chuyên gia đã cùng thảo luận về tác động của chính sách thuế quan của Hoa Kỳ tới nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam vẫn là điểm rất sáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong kiểm soát kinh tế vĩ mô

Tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia – nhận định, trong bối cảnh Hoa Kỳ triển khai các chính sách thuế quan mới, tình hình kinh tế thế giới bị tác động tương đối mạnh. 

Theo đó, năm 2024, kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 2,8%. Tuy nhiên, theo các dự báo mới đây, tăng trưởng năm 2025 sẽ giảm khoảng gần 1 điểm, xuống mức 2%. Năm 2026, tăng trưởng có thể tiếp tục giảm, xuống mức 1,8%.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho hay, tình hình lạm phát hiện ở mức ổn định, thương mại toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Các Ngân hàng Trung ương tiếp tục đà giảm lãi suất, nhưng theo chiều hướng thận trọng; tình hình đầu tư (nhất là đầu tư công) toàn cầu cho cơ sở hạ tầng và chuyển đổi xanh, công nghệ số (AI, bán dẫn…) tăng; các quốc gia cũng đầy mạnh cải cách và tăng nội lực.

Theo TS. Cấn Văn Lực, mặc dù còn tiềm ẩn các rủi ro, trong năm 2026, kinh tế toàn cầu sẽ có sự cải thiện rất nhanh, đến từ 3 nguyên do: Mức nền thấp của năm 2025; các quốc gia bắt đầu thích ứng và chính sách thuế quan có thể thay đổi trong năm tới.

Kinh tế Việt Nam trước thuế đối ứng Hoa Kỳ: 'Mục tiêu tăng trưởng 8% không hoàn toàn bất khả thi'- Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia tại Hội thảo (Ảnh: VCCI)

Đối với Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra: Theo công bố chỉ cách đây 1 tuần của Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB, kinh tế nước ta dự báo tăng trưởng khoảng 6,8%. Nhóm nghiên cứu của chuyên gia cũng đưa kịch bản cơ sở tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, lạm phát dự báo giao động ở trong khoảng 4-4,5% trong năm 2025.

“Việt Nam vẫn là một điểm rất sáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng GDP cao nhất và lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ông cho biết, quý I/2025, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận những kết quả tích cực, khi các chỉ số vĩ mô như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng về cơ bản đều tốt. Theo chuyên gia, trong quý II và nửa đầu năm 2025, tác động từ các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đến Việt Nam chưa rõ rệt, vì vậy Việt Nam cơ bản có thể duy trì đà tăng trưởng.

“Kinh tế quý III và quý IV đương nhiên phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán của chúng ta. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2025, tức kịch bản cơ sở. Với mục tiêu 8% được Quốc hội đề ra, đây không phải điều hoàn toàn bất khả thi. Nếu chúng ta có khoảng 20% xác suất, điều này có thể xảy ra”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tăng cường nội lực để tăng trưởng kinh tế

Phân tích các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng GDP, TS. Cấn Văn Lực cho biết: Quý I/2025, chênh lệch xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chỉ đóng góp khoảng 6,5% vào tăng trưởng. Trong khi đó, tiêu dùng cuối cùng chiếm gần 69%, đầu tư đóng góp hơn 37% trong quý vừa qua.

“Nội lực vẫn là yếu tố cực kỳ quan trọng”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh. Từ số liệu trên, chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự lực, tự cường; tập trung vào các động lực tăng trưởng khác (đầu tư, tiêu dùng…) và các động lực tăng trưởng mới.

Để tăng cường nội lực nền kinh tế, chuyên gia cũng đề xuất giải pháp cực kỳ quan trọng khác là tập trung hơn nữa vào thị trường nội địa, doanh nghiệp nội địa. "Đảng và Nhà nước cần quan tâm đến đề án phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Từ đó, tăng sức chống chịu, tự lập, tự cường của Việt Nam”, ông nhấn mạnh. 

Kinh tế Việt Nam trước thuế đối ứng Hoa Kỳ: 'Mục tiêu tăng trưởng 8% không hoàn toàn bất khả thi'- Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI tại Hội thảo (Ảnh: VCCI)

Trước thuế đối ứng của Hoa Kỳ, các chuyên gia tại Hội thảo cùng đồng thuận rằng, dù chính sách này đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để họ tìm cái nguy trong cơ, đoàn kết, vượt qua khó khăn trước mắt.

Theo Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn, tự lực vẫn là nhóm giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thách thức. Theo đó, doanh nghiệp nên theo dõi sát các động thái chính sách của Hoa Kỳ trong 90 ngày tạm hoãn, đồng thời chủ động phối hợp - đàm phán với các Nhà nhập khẩu; tranh thủ xuất hoàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế.

Về lâu về dài, doanh nghiệp cần: Từng bước điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu bằng cách đa dạng hóa thị trường, tận dụng các thị trường có FTA và thị trường nội địa. Bên cạnh đó, từng bước cải cách, đổi mới sản xuất kinh doanh để tăng sức chống chịu trước biến động kinh tế.