
Vào 16h ngày 2/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới và gọi đây là "Ngày Giải phóng" (Liberation Day), thời khắc nước Mỹ "giành lại chủ quyền kinh tế".
Theo đó, từ ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9/4, mức thuế đối ứng "có đi có lại" cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia mà Mỹ gọi là gây mất cân bằng thương mại, như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%). Trung Quốc và Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất.
Ngay sau đó, trang web của Nhà Trắng đã đăng bài viết dài giải thích cho sắc lệnh hành pháp này. Theo bài viết, thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm lớn và dai dẳng của đã làm suy yếu cơ sở sản xuất của Hoa Kỳ; dẫn đến việc thiếu động lực để tăng năng lực sản xuất trong nước; làm suy yếu chuỗi cung ứng quan trọng; và khiến cơ sở công nghiệp quốc phòng phụ thuộc vào các đối thủ nước ngoài.
Chính lý do, mà theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump đang viện dẫn thẩm quyền của mình theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng gây ra, xuất phát từ việc thiếu sự tương hỗ trong các mối quan hệ thương mại và các chính sách có hại khác như thao túng tiền tệ và thuế giá trị gia tăng (VAT) do các quốc gia khác áp dụng.
Các mức thuế quan này sẽ có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump quyết định rằng mối đe dọa do thâm hụt thương mại và cách đối xử không có đi có lại cơ bản đã được đáp ứng, giải quyết hoặc giảm thiểu.
Sắc lệnh IEEPA cũng bao gồm thẩm quyền sửa đổi, cho phép Tổng thống Trump tăng thuế quan nếu các đối tác thương mại trả đũa hoặc giảm thuế quan nếu các đối tác thương mại thực hiện các bước quan trọng để khắc phục các thỏa thuận thương mại không có đi có lại và liên kết với Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia.

Đặc biệt, bài viết cũng nhấn mạnh một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế quan qua lại.
Bao gồm: (1) các mặt hàng chịu thuế 50 USC 1702(b); (2) các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232; (3) các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; (4) tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; (5) vàng thỏi và (6) năng lượng và một số khoáng sản nhất định khác không có sẵn tại Hoa Kỳ.
Hầu hết doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn đã có mặt tại Việt Nam
Theo diễn giải trên, Việt Nam hiện có hàng hoá thế mạnh, có thể không phải chịu thuế quan này khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đó là chất bán dẫn.
Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược, nếu Hoa Kỳ mất đi lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghiệp bán dẫn so với đối thủ cạnh tranh, thì họ sẽ trở nên phụ thuộc vào đối thủ cạnh tranh đó: về mặt kinh tế, chính trị và chắc chắn là quân sự.
Vào thời kỳ đầu, Hoa Kỳ chiếm 100% năng lực sản xuất chất bán dẫn. Ngày nay, năng lực đó chỉ còn 8%. Đạo luật CHIPS được ban hành gần đây đã cam kết chi 52 tỷ USD trong 5 năm để hỗ trợ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như đầu tư vốn bổ sung vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam nổi lên mạnh mẽ trên bản đồ chất bán dẫn toàn cầu. Cụ thể, trong năm 2024, doanh thu ngành bán dẫn Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD. Đầu tháng 2/2025, Amkor Technology, một trong ba nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, đã xin cấp phép tăng công suất nhà máy tại Bắc Ninh lên gấp ba lần, đạt 3,6 tỷ sản phẩm mỗi năm.
Thành phẩm từ nhà máy chủ yếu để xuất khẩu và khi hoạt động ổn định từ tháng 10/2025, nhà máy có tỷ lệ tự động hóa 70% này sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 7.200 lao động.
Theo ban lãnh đạo Amkor, Việt Nam có lợi thế khi phát triển ngành này, đặc biệt về vị trí địa lý khi nằm gần các trung tâm sản xuất linh kiện điện tử lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, giúp đảm bảo nguồn cung ổn định với chi phí hợp lý.
Không chỉ các doanh nghiệp Hàn Quốc, một số tập đoàn bán dẫn Mỹ đã sớm tham gia thị trường, như Marvell Technology. Đây là một công ty bán dẫn không có nhà máy sản xuất (fabless semiconductor), chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển, thiết kế và kiểm tra những sản phẩm bán dẫn (chip và mạch điện tử).
Marvell lập công ty tại Việt Nam từ năm 2013 và đang có 470 nhân viên, trong đó 98% là kỹ sư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang có 174 dự án FDI đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, tổng vốn gần 11,6 tỷ USD. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành như Intel, Marvell Technology, Samsung, CoAsia SEMI (Hàn Quốc), Renesas (Nhật Bản)... đều đã có mặt ở Việt Nam.