Tập đoàn dệt may Vinatex báo lãi bán niên cao nhất 3 năm, tăng 112% so với cùng kỳ

Admin
Doanh thu hợp nhất nửa đầu năm đạt gần 9.048 tỷ đồng, thực hiện hơn 49% kế hoạch năm và tăng gần 8% so với cùng kỳ 2024.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng giám đốc Thường trực cho biết, doanh thu hợp nhất nửa đầu năm đạt gần 9.048 tỷ đồng, thực hiện hơn 49% kế hoạch năm và tăng gần 8% so với cùng kỳ 2024.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 598 tỷ đồng, tương đương gần 66% kế hoạch năm và tăng 112% so với cùng kỳ.

Đây là mức doanh thu và lợi nhuận bán niên cao nhất của Vinatex trong 3 năm trở lại đây.

Tập đoàn dệt may Vinatex báo lãi bán niên cao nhất 3 năm, tăng 112% so với cùng kỳ- Ảnh 1.

Tập đoàn dệt may Vinatex báo lãi bán niên cao nhất 3 năm, tăng 112% so với cùng kỳ- Ảnh 2.

Vinatex cho biết Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp, chiếm tới 43,8% tổng kim ngạch. Ngoài ra, các thị trường quan trọng khác bao gồm Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tính đến cuối tháng 6/2025, Vinatex duy trì lực lượng lao động gần 48.000 người, với mức thu nhập bình quân khoảng 11,2 triệu đồng mỗi tháng.

Tập đoàn dệt may Vinatex báo lãi bán niên cao nhất 3 năm, tăng 112% so với cùng kỳ- Ảnh 3.

Ông Lê Tiến Trường.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động nguồn nguyên liệu để ứng phó với các rủi ro thuế quan. Theo ông, ngành dệt may cần khẩn trương phân loại, đánh giá khả năng nội địa hóa các loại vải, đồng thời tăng cường hợp tác với khách hàng nhằm đa dạng hóa nguyên liệu và thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt trong công tác truy xuất nguồn gốc.

Về triển vọng nửa cuối năm 2025, Tổng giám đốc Cao Hữu Hiếu cho rằng kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt của toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng doanh nghiệp vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm, đặc biệt là từ các biến động khó lường của chính sách thương mại toàn cầu.

Trước bối cảnh này, Vinatex xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao năng suất lao động, tối ưu chi phí, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đầu vào nguyên liệu. Trong đó, công tác thị trường được coi là "đầu kéo" để vận hành hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về định hướng dài hạn, ông Hiếu cho biết Vinatex đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn so với năm 2024 (ước đạt 1.700 tỷ đồng), còn lợi nhuận công ty mẹ tăng gấp ba, lên khoảng 470 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu toàn hệ thống thực sự đổi mới tư duy quản trị và tổ chức vận hành một cách đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả.