Thành triệu phú nhờ sữa pha urê: Đường dây bị phanh phui sau 7 năm 'hút máu' người dùng

Admin
Hơn 10 cơ sở chế biến sữa đã bị phong tỏa và thu giữ loạt nguyên liệu độc hại như urê, glucose, hydrogen peroxide...
Thành triệu phú nhờ sữa pha urê: Đường dây bị phanh phui sau 7 năm 'hút máu' người dùng- Ảnh 1.

Giới truyền thông Ấn Độ đưa tin, hai anh em Devendra Gurjar (42 tuổi) và Jaiveer Gurjar (40 tuổi), đến từ làng Dhakpura, quận Morena (Madhya Pradesh), chỉ trong vòng 7 năm đã trở thành triệu phú nhờ kinh doanh sữa giả. 

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hai đối tượng bắt đầu từ việc giao sữa bằng xe máy, đến khi sở hữu một nhà máy sản xuất sữa trị giá lên tới 2 crore INR (khoảng hơn 6 tỉ đồng), cùng nhiều xe bồn chứa sữa, 3 biệt thự, xe SUV và nhiều mảnh đất công nghiệp. 

Cảnh sát bang Madhya Pradesh cho biết, thời điểm khám xét, hơn 10 cơ sở chế biến sữa tại vùng Chambal đã bị phong tỏa và 65 người bị bắt trong vòng chưa đầy 6 ngày. Devendra Gurjar và Jaiveer Gurjar đã trộn glucose, urê, dầu tinh luyện, bột sữa và nước để sản xuất sữa giả. Thậm chí, một số lô hàng còn chứa cả chất tẩy trắng như hydrogen peroxide để tạo màu trắng như sữa thật. 

Cá biệt, đương dây sản xuất sữa giả này không chỉ cung cấp cho riêng bang Madhya Pradesh mà còn tới nhiều nơi khác như Haryana, Delhi, Uttar Pradesh và Rajasthan. Lợi nhuận ước tính khoảng 70 - 75%, vì họ chỉ mất 6 INR (chưa đến 2.000 đồng) để sản xuất 1 lít sữa, nhưng lại bán được với giá 25 INR. Ngoài sữa, đối tượng còn sản xuất “phô mai tổng hợp” và mawa (một loại thực phẩm từ sữa thường được sử dụng ở Ấn Độ), cũng theo công thức tương tự để đẩy lợi nhuận .

Ông Rajesh Bhadoria, Trưởng phòng cảnh sát thuộc Lực lượng Đặc nhiệm (STF) cho hay, “Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện 6 đối tượng chính gồm Devendra Gurjar, Jaiveer Gurjar, Ramnaresh Gurjar, Dinesh Sharma, Santosh Singh và Rajeev Gupta đã tích lũy khối tài sản khổng lồ. Chỉ trong vài năm, mức sống của họ thay đổi hoàn toàn. Họ đi từ những chủ trại sữa nhỏ thành triệu phú với tốc độ đáng kinh ngạc.”

Ashok Awasthi, Phó tổng giám đốc cảnh sát phụ trách Lực lượng Đặc nhiệm (STF), cho biết: “Tại khu vực Chambal, sản lượng sữa thực tế mỗi ngày chỉ khoảng 1,1 triệu lít, nhưng lại có tới khoảng 3 triệu lít sữa được cung cấp ra thị trường. Chênh lệch 1,9 triệu lít này đang được lấp đầy bằng sữa giả - loại thực phẩm không chỉ có khả năng gây ung thư mà còn dẫn đến nhiều bệnh mãn tính.”

“Dựa trên sự bất hợp lý này, STF đã tiến hành đột kích hai nhà máy làm lạnh tại Bhind gồm Girraj Food Supplier và Gopal Chilling Centre và một tại Morena là Vankhandeshwari Dairy and Factory. Kết quả, chúng tôi thu giữ 17.000 lít sữa giả, 1.000 kg mawa tổng hợp và 1.500 kg phô mai tổng hợp ,” ông Awasthi nói.