Conic Boulevard

Thúc đẩy làn sóng chuyển đổi xanh trong khu vực hợp tác xã

Admin
Theo chuyên gia, dù giữ vai trò quan trọng, khu vực hợp tác xã mới đóng góp dưới 3% GDP và cần gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng xanh trên toàn quốc.

Sáng 11/4, Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 đã chính thức diễn ra với chủ đề "Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững".

Chuyển đổi xanh là yêu cầu bức thiết

Phát biểu khai mạc, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 33.500 HTX hoạt động đa lĩnh vực, trong đó riêng lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 64% với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia. Kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là các HTX đang ngày càng khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả.

Thúc đẩy làn sóng chuyển đổi xanh trong khu vực hợp tác xã- Ảnh 1.

Bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.

"Thực tiễn cho thấy, ở đâu có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế, ở đó có tổ hợp tác, có HTX. Nếu phát triển hiệu quả, mô hình này không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững", bà Vân khẳng định.

Theo bà, trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, các HTX cần chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ các-bon. Đặc biệt, Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cho hơn 20.000 HTX nông nghiệp tại khu vực này.

"Khi HTX được nhìn nhận đúng tầm, hỗ trợ đúng cách, Việt Nam sẽ xây dựng được một nền kinh tế công bằng, thịnh vượng và toàn diện, nơi không ai bị bỏ lại phía sau", bà Vân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và KTTT (Bộ Tài chính) cho rằng chuyển đổi xanh là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ông khẳng định: "Quá trình này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống người lao động".

Thúc đẩy làn sóng chuyển đổi xanh trong khu vực hợp tác xã- Ảnh 2.

Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và KTTT (Bộ Tài chính)

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ qua các chiến lược tăng trưởng xanh và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 cùng kế hoạch hành động quốc gia đi kèm đang dần được hiện thực hóa.

Ở góc nhìn quốc tế, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định: Hệ sinh thái HTX là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế và là động lực sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Theo bà, HTX là công cụ đảm bảo cho chuyển đổi xanh công bằng, tạo việc làm bền vững cho nông dân địa phương.

Hội Luật gia Tp.Cần Thơ phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng quản trị rủi ro trong HTX năm 2025

Bà cho biết, trên toàn cầu, các HTX đang dẫn đầu trong các mô hình sản xuất năng lượng sạch với giá cả phải chăng, tạo việc làm chất lượng tại địa phương. Điển hình như Đan Mạch, Thụy Điển có các HTX sở hữu trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới; tại Đức, nhiều HTX đang vận hành tua-bin gió, đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo của xã hội. Những mô hình đó không chỉ cải thiện chuỗi giá trị mà còn cung cấp chi phí hợp lý cho nhà sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.

Tuy vậy, theo bà Ingrid, vẫn cần những chính sách bảo vệ tốt hơn cho HTX, nhất là trong bối cảnh thiên tai và biến động khí hậu ngày càng gia tăng. "Liên minh HTX Việt Nam cần có động thái tích cực hơn nữa, từ bảo hiểm xã hội cho người lao động đến đảm bảo phúc lợi khi xảy ra rủi ro thiên tai", bà kiến nghị.

HTX vẫn "chưa lớn" vì sao?

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, phát triển kinh tế xanh hiện là mục tiêu hàng đầu, bao gồm sử dụng hiệu quả tài nguyên, đầu tư xanh, thương mại xanh, đổi mới sáng tạo xanh, việc làm xanh... Đồng thời, cần chú trọng đến giảm phát thải, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Ông cũng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã tạo hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, từ phân loại rác tại nguồn, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đến tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 679.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2023, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. 

Thúc đẩy làn sóng chuyển đổi xanh trong khu vực hợp tác xã- Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Tuy nhiên, trái phiếu xanh tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Giai đoạn 2016–2020, chỉ có 4 đợt phát hành với tổng giá trị 284 triệu USD. Trong giai đoạn 2021–2024, khoảng 30.500 tỷ đồng trái phiếu xanh và bền vững đã được phát hành. Đây là một con số vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Trong khi đó, cổ phiếu xanh hiện vẫn chưa xuất hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặt câu hỏi về "cơ hội nào cho chuyển đổi xanh?", TS. Cấn Văn Lực cho rằng hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện, và các nhà đầu tư đã rất quan tâm. Vấn đề là phần lớn các HTX hiện vẫn có quy mô nhỏ, thiếu vốn, hạ tầng, công nghệ thông tin; chỉ 12% HTX áp dụng chuyển đổi số. Trong số gần 22.000 HTX nông nghiệp, 34% hoạt động chưa hiệu quả, gặp khó khăn khi tiếp cận vốn do thiếu tài sản thế chấp và minh bạch thông tin.

Thúc đẩy làn sóng chuyển đổi xanh trong khu vực hợp tác xã- Ảnh 4.

Theo chuyên gia, dù giữ vai trò quan trọng, khu vực hợp tác xã mới đóng góp dưới 3% GDP và cần gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng xanh trên toàn quốc.

Luật HTX 2023 dù đã được ban hành nhưng triển khai còn chậm và thiếu nhất quán. Mô hình HTX kiểu mới chưa hình thành rõ nét, liên kết còn lỏng lẻo, tích tụ đất đai vướng nhiều rào cản, vai trò của các hiệp hội và liên minh HTX vẫn mờ nhạt.

"Mặc dù được đánh giá là nhóm cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế, khu vực KTTT hiện chỉ đóng góp chưa tới 3% GDP. Để phát triển, cần gắn kết chiến lược phát triển xanh với quy hoạch KT-XH của cả nước và địa phương. Có thể đặt mục tiêu khu vực HTX đóng góp 4–5% GDP vào năm 2030", ông Lực nói.

Giải pháp được đề xuất là sớm ban hành "Danh mục phân loại xanh" làm cơ sở xác định lĩnh vực ưu tiên; giao tổ chức độc lập xác nhận chuẩn "xanh" cho dự án, doanh nghiệp, HTX. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, tiêu chí và phương thức hỗ trợ phù hợp để các HTX thực sự trở thành động lực trong nền kinh tế xanh bền vững.