Conic Boulevard

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam: Mở ra những cơ hội mới

Admin
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam sắp tới mang nhiều ý nghĩa về chính trị và kinh tế, chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác mới, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng.

Đó là nhận định của PGS.TS Bùi Thành Nam, một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế và chính trị thế giới hiện công tác tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong trước thềm chuyến thăm.

- Theo ông, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này có ý nghĩa như thế nào?

+ PGS.TS Bùi Thành Nam: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tuần tới mang nhiều ý nghĩa.

Về phía Việt Nam, chúng ta đang chuẩn bị tổ chức một sự kiện chính trị rất quan trọng, đó là Đại hội Đảng lần thứ 14. Trong Đại hội Đảng sẽ bàn đến cả chính sách, đường lối đối ngoại của đất nước. Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ nhiều quan điểm, trong đó có vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chuyến thăm của ông Tập, tôi cho rằng hai bên sẽ trao đổi về những định hướng của hai Đảng, hai Nhà nước về kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam: Mở ra những cơ hội mới- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2023. Ảnh: Như Ý

Trung Quốc đang triển khai rất nhiều sáng kiến, trong đó có Sáng kiến Vành đai-Con đường từ năm 2013. Gần đây, Trung Quốc đưa ra một loạt sáng kiến hợp tác phát triển toàn cầu khác, như Sáng kiến An ninh toàn cầu, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến Văn minh toàn cầu, cùng với chiến lược có tính chất bao trùm là Cộng đồng chia sẻ tương lai.

Các sáng kiến toàn cầu của Trung Quốc đều xuất phát từ quan điểm cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò then chốt trong triển khai những sáng kiến đó, bởi vì khu vực này có vai trò quan trọng về chính trị, ngoại giao và kinh tế.

Thế nên điều dễ nhận thấy là Trung Quốc xác định việc tiếp cận các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là xuất phát điểm để khởi xướng và thúc đẩy các sáng kiến của họ. Tôi nghĩ là trong chuyến thăm này, hai bên sẽ bàn bạc nhiều vấn đề, bao gồm những vấn đề như vậy.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của hai nước về tăng cường hợp tác kết nối hạ tầng và phát triển các tuyến đường sắt, đường bộ, kết nối khu vực biên giới?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam: Mở ra những cơ hội mới- Ảnh 2.

PGS.TS Bùi Thành Nam trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong. Ảnh: Thu Loan

+ Trong Sáng kiến Vành đai-Con đường, với nòng cốt là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển hạ tầng châu Á mà Trung Quốc khởi xướng, riêng phần về cơ sở hạ tầng, Việt Nam chưa khai thác được những ưu đãi về chính sách và hạ tầng mà Trung Quốc thiết lập, trong khi nhu cầu của Việt Nam về xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn. Chúng ta đang có kế hoạch phát triển nhiều công trình hạ tầng lớn về sân bay, đường sắt và đường bộ cao tốc.

Những công trình đó cần mức đầu tư rất lớn, đòi hỏi sự kết nối về công nghệ, về tài chính với các quốc gia xung quanh. Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ trong chuyến thăm này có nhiều khả năng hai bên sẽ đi đến những thỏa thuận hoặc cam kết về hỗ trợ kỹ thuật hoặc hỗ trợ về tài chính cho xây dựng các công trình hạ tầng của Việt Nam.

- Chủ đề của năm nay được chọn là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc. Theo ông, giao lưu nhân văn có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước?

+ Bên cạnh những yếu tố về chính trị - ngoại giao - kinh tế trên kênh chính thức, ngoại giao công chúng thông qua kết nối về học tập, trao đổi học sinh, sinh viên, hợp tác giáo dục giữa các trường đại học của Trung Quốc với Việt Nam tăng rất mạnh trong thời gian qua. Ví dụ, Trường ĐH KHXH&NV của chúng tôi đã tiếp nhận khá nhiều học sinh, sinh viên đến từ Trung Quốc trong vài năm qua. Hằng năm, chúng tôi đón trên dưới 1.000 du học sinh nước ngoài đến học tập, trong đó phần lớn là công dân Trung Quốc.

Tăng cường giao lưu nhân văn giúp khai thác những tiềm năng về giao lưu văn hóa, từ đó góp phần đưa quan hệ hai nước lên mức cao hơn. Tôi nghĩ chủ đề này phù hợp với các mục tiêu của Trung Quốc.

Hiện nay, số lượng lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đạt mức kỷ lục, với gần 24.000 sinh viên, trong khi hơn 2.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam. Với nền tảng như vậy, hai bên có thể tiếp tục phát triển hơn nữa các hoạt động trao đổi và giao lưu.

Cảm ơn ông.