Tây Ninh: Khánh thành dự án tu bổ Căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Sáng 19-4, tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ khánh thành Dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục, công trình thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
Tham dự Lễ khánh thành có Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Nguyễn Thanh Ngọc, Thứ Trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh… cùng các nguyên lãnh đạo tỉnh, sở ngành.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một công trình mang ý nghĩa giá trị văn hóa, lịch sử to lớn không chỉ của tỉnh Tây Ninh nói riêng, mà còn tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta nói chung và là điểm đến sinh hoạt văn hóa của cộng đồng tại địa phương, kể cả các du khách trong nước và trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cùng các đại biểu Trung ương tham dự Lễ khánh thành
TP HCM: Thông xe kỹ thuật đoạn tuyến dài 21km thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Sáng 19-4, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức lễ thông xe kỹ thuật đoạn tuyến dài 21km từ nút giao Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Đoạn tuyến đi qua các huyện Bến Lức và Cần Giuộc (tỉnh Long An), huyện Bình Chánh và Nhà Bè (TP HCM). Tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 57,8 km, đi qua địa bàn 3 địa phương: Long An (2,7 km), TP HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km).
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ kết nối giao thông giữa miền Tây và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM, góp phần giảm áp lực cho các trục giao thông hiện hữu như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP HCM: Khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn thuộc Dự án Vành đai 2 TP HCM
Sáng 19-4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM đã khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn thuộc Dự án Vành đai 2 TP HCM.
Dự án Xây dựng đường Vành đai 2 TP HCM (đoạn 1, đoạn 2) là dự án giao thông trọng điểm của TP, có mục tiêu xây dựng đoạn 1, đoạn 2 của tuyến Vành đai 2 TP HCM thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức với tổng chiều dài 6 km. Khi hoàn thành, đoạn 1 và đoạn 2 của đường Vành đai 2 sẽ kết nối với đoạn 3 đang được Nhà đầu tư thực hiện để khép kín đường Vành đai 2 trên địa bàn thành phố Thủ Đức, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông.
Dự án có tổng chiều dài 6 km, gồm đoạn 1 có chiều dài 3,6 km, từ điểm giao đường D2 trước cầu Phú Hữu đến Nút giao Bình Thái, xa lộ Hà Nội. Đoạn 2 dài 2,5 km, từ Nút giao Bình Thái, xa lộ Hà Nội đến Nút giao đường Phạm Văn Đồng.
Dự án được chia 2 giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng đường song hành hai bên trong lộ giới quy hoạch 67m, vỉa hè….
Song song đó xây dựng các nút giao thông như nút giao Bình Thái theo dạng hoa thị, nút giao với đường D2, Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú, nút giao thông khác mức với Vành đai 2.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của đoạn 1, đoạn 2 là 5.239 tỉ đồng. Riêng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 8.627 tỉ đồng.
Giai đoạn 2 sẽ xây dựng hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch 67m, trong đó ưu tiên xây dựng tuyến chính 6 làn xe trong phần đất dự trữ ở giữa.
Sau gói thầu rà phá bom mìn, di dời hạ tầng kỹ thuật, theo chủ đầu tư, dự án sẽ khởi công gói thầu xây lắp tháng 9-2025, thông xe toàn bộ công trình vào dịp 30-4-2027.

Phối cảnh Vành đai 2 TP HCM sau khi hoàn thành. Ảnh: Thu Hồng

Đắk Lắk: Khánh thành dự án hồ Krông Pách Thượng giai đoạn 1.
Sáng 19-4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk khánh thành dự án hồ Krông Pách Thượng giai đoạn 1.
Tham dự buổi lễ có ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...
Dự án hồ Krông Pách Thượng giai đoạn 1 là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk có tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng. Công trình đã phát huy tốt hiệu quả về cắt giảm lũ, cải thiện môi trường sinh thái, tưới và tạo nguồn cho trên 8.000ha, tạo nguồn cho sinh hoạt của 73.000 người dân các huyện phía đông tỉnh Đắk Lắk.
TP HCM: Quang cảnh tại Cần Giờ trước giờ khởi công
Quang cảnh tại Cần Giờ trước giờ khởi công. CLIP: Thanh Long
Bình Phước: Khởi công dự án thành phần Gia Nghĩa - Chơn Thành
Sáng 19-4, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước và Dự án thành phần 5: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua tỉnh Bình Phước (thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Lễ khởi công được kết nối với cầu truyền hình trực tuyến về điểm cầu chính Nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP HCM, phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam.Đây là sự kiện quan trọng để chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dự án đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Phước, thúc đẩy kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh, các đơn vị liên quan và nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 124,13 km, trong đó đoạn qua huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đăk Nông dài khoảng 23,01 km, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 101,03 km, được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h.
Trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, dự án được đầu tư theo phương thức PPP với quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 24,75m; riêng đoạn qua TP Đồng Xoài có bề rộng nền đường 25.5m (mở rộng DPC giữa để bố trí hệ thống điện chiếu sáng), tổng mức đầu tư khoảng 20.434 tỉ đồng.
09:25 - 19/04/2025
Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi công, khánh thành 4 công trình, dự án trọng điểm
4 công trình, dự án trọng điểm được chọn để tổ chức lễ khởi công, khánh thành gồm: Thông xe kỹ thuật Dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; khởi công dự án Đường nối vào cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu (từ QL56 đến nút giao vòng xoay đường 51B,C thành phố Vũng Tàu); thông xe đoạn đường từ Nhà Lớn Long Sơn đến Quốc lộ 51 và Cầu Cửa lấp 2 thuộc dự án đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận; khánh thành Trung tâm Y tế Quân dân y Côn Đảo.
Đây là những công trình, dự án trọng điểm quốc gia, của Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội địa phương và quốc gia.
Điểm cầu chính của chuỗi hoạt động tại Bà Rịa - Vũng Tàu là lễ Thông xe kỹ thuật Dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Chương trình có sự tham dự của ông Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo địa phương.
Tại dự án, không khí đang rất khẩn trương, các đại biểu và các đơn vị thi công, người dân trong tỉnh đều háo hức đón chờ thời khắc quan trọng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tuyến cao tốc đầu tiên, thêm phương thức kết nối nhanh nhất giữa tỉnh với các địa phương khác.

Ông Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu tại lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Ảnh: Ngọc Giang

TP HCM: Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ Khánh thành Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Sáng nay, 19-4, Lễ khánh thành Nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã diễn ra tại TP HCM. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự lễ khánh thành.
Theo kế hoạch, từ 0 giờ ngày 19-4, toàn bộ các chuyến bay giữa TP HCM và Hà Nội của Vietnam Airlines sẽ được chuyển sang khai thác tại Nhà ga T3.
Tiếp đó, từ ngày 28-4, toàn bộ chuyến bay nội địa còn lại của hãng cũng sẽ chuyển sang hoạt động tại nhà ga này, ngoại trừ các đường bay giữa TP HCM và Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau vẫn tiếp tục thực hiện tại nhà ga T1 như hiện nay.
Các chuyến bay của hai hãng hàng không khác thuộc Vietnam Airlines Group là Pacific Airlines và VASCO vẫn tiếp tục khai thác tại nhà ga T1 cho đến khi có thông báo mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ Khánh thành Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trâm

Ảnh: Thái Phương


Khánh Hòa: Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự lễ Khánh thành cao tốc Vân Phong - Nha Trang

TP HCM: Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và ông Phạm Nhật Vượng đến dự buổi lễ ở Cần Giờ

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng (phải) và ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Hoàng Triều

Vingroup khởi công siêu đô thị ESG hàng đầu thế giới Vinhomes Green Paradise
Hoà cùng không khí cả nước chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng ngày 19-4, Công ty CP Tập đoàn Vingroup (Vingroup) đã chính thức khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise.
Với quy mô 2.870 ha và lợi thế sinh thái đặc biệt, dự án có tầm nhìn trở thành khu đô thị ESG hàng đầu thế giới, thể hiện đẳng cấp về ESG của Việt Nam trên bản đồ toàn cầu. Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise tọa lạc tại cửa biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, có tổng diện tích 2.870 ha.
Đây là dự án có tầm ảnh hưởng không chỉ với TP HCM mà còn tạo động lực tăng trưởng cho cả khu vực Đông Nam Bộ, mở ra tầm nhìn đột phá về phát triển kinh tế biển ở cấp quốc gia.
Dự án được phát triển theo mô hình đô thị cấp tiến nhất thế giới hiện nay - ESG (Environmental – Social – Governance) với tôn chỉ hài hòa giữa con người – thiên nhiên – công nghệ, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững và khai thác tối đa lợi thế sinh thái tự nhiên.
Đặc biệt, với mục tiêu phát triển đô thị sử dụng năng lượng tái tạo phân loại, Vingroup sẽ đầu tư phát triển hệ thống điện gió cách bờ 10km để cung cấp nguồn điện sạch cho siêu đô thị và mở ra tương lai xanh cho cả khu vực.
Bên cạnh việc tiên phong kiến tạo khu đô thị ESG hàng đầu thế giới, dựa trên ba trụ cột: Xanh – Thông minh – Sinh thái, Vingroup cũng định hướng phát triển Vinhomes Green Paradise thành một biểu tượng phồn vinh mới với loạt công trình đẳng cấp, chưa từng có tại Việt Nam.
Tâm điểm là “Nhà hát Sóng Xanh - Blue Waves Theatre” với kiến trúc độc đáo bậc nhất thế giới do Công ty tư vấn thiết kế nổi tiếng Gensler thiết kế. Công trình có quy mô lên tới 7 ha, bao gồm tổ hợp nhà hát lớn nhất Đông Nam Á quy mô 5.000 chỗ ngồi, chia thành 2 nhà hát 3.500 chỗ và 1.500 chỗ; khu hội nghị 40 phòng; khu tiệc cưới với 8 phòng tiệc lớn; khu triển lãm 45.000m²; quảng trường với sức chứa lên tới 50.000 người; khu nhà hàng và dịch vụ ẩm thực đa dạng….
Tiếp theo là Biển hồ nhân tạo Paradise Lagoon lớn nhất thế giới (443ha); Cảng tàu quốc tế 5 sao Landmark Harbour có khả năng đón siêu du thuyền sang trọng, chuỗi khách sạn cao cấp; 2 sân golf, mỗi sân 18 lỗ do huyền thoại Tiger Woods (sân West - Sunset) và Robert Trent Jones II (sân East - Sunrise) thiết kế.…
Đặc biệt, tổ hợp giải trí – du lịch 122ha, gồm Safari, công viên chủ đề theo mô hình Disneyland, Universal; khu vui chơi nhà băng tuyết Winter Wonderland 30.000m² - Top 5 thế giới với sân băng, khu trượt tuyết, zipline… sẽ mang tới “trải nghiệm mùa đông” chưa từng có cho xứ nóng phương Nam.
Song hành với các “kỳ quan đô thị” là các chuỗi sự kiện gia tăng trải nghiệm và kết nối cộng đồng sẽ được tổ chức liên tục trong năm, như: lễ hội văn hóa - nghệ thuật - du lịch quy mô lớn; giải golf, đua thuyền, thể thao quốc tế; các show nghệ thuật đỉnh cao; hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về sống xanh – bền vững….đảm bảo Vinhomes Green Paradise luôn tràn ngập không khí lễ hội suốt 365 ngày trong năm.
Bên cạnh thiên đường Du lịch – Giải trí – Nghỉ dưỡng, Vinhomes Green Paradise còn được định hướng trở thành là trung tâm kinh tế tài chính của khu vực với nhịp sống năng động và hạ tầng xã hội chất lượng cao.
Nổi bật nhất là hệ sinh thái "Tất cả trong một" với hơn 2 triệu m2 diện tích sàn văn phòng, thương mại dịch vụ và khách sạn, cùng hàng loạt tiện ích sang trọng, ghi dấu ấn đẳng cấp quốc tế và mở ra các cơ hội bứt phá cho kinh tế khu vực.
Trong đó có tòa tháp 108 tầng - Top 10 thế giới - biểu tượng tinh hoa mới của Việt Nam, tích hợp đa chức năng với khối đế thương mại sôi động, văn phòng cao cấp cùng khách sạn siêu sang. Tại đây còn có các khu biệt thự hạng sang, các toà căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại hiện đại, các nhà hàng Michelin danh tiếng…

Phối cảnh dự án
Khánh Hòa: Khánh thành Cao tốc Vân Phong – Nha Trang
Sáng 19-4, tại xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Chính phủ tổ chức lễ khánh thành đoạn cao tốc Vân Phong – Nha Trang từ nút giao Vạn Giã đến nút giao Quốc lộ 27C thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Dự án có chiều dài toàn tuyến hơn 83 km, đi qua các địa phương Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa). Giai đoạn đầu, khoảng 70,35 km đã hoàn thiện và đưa vào khai thác, với 3 nút giao lớn: Vạn Giã, Quốc lộ 26 và Quốc lộ 27C.
Cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc khai thác 80 - 120 km/h, mặt đường rộng 17 m cho 4 làn xe trong giai đoạn phân kỳ. Tổng vốn đầu tư gần 11.800 tỉ đồng, sử dụng từ ngân sách Nhà nước.
Công trình được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện 3.000 km cao tốc vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng tính kết nối giữa các vùng, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A và hỗ trợ phát triển du lịch, logistics tại khu vực Nam Trung Bộ.
Ngay sau lễ khánh thành, đoạn tuyến sẽ chính thức đưa vào khai thác. Theo quy định, chỉ xe ô tô đủ điều kiện mới được lưu thông trên tuyến, vận tốc tối đa là 90 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ.



TP HCM: Một số hình ảnh trước giờ khởi công Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
. Clip: Ngọc Lý - Thanh Long
Tiền Giang: Hợp long cầu Rạch Miễu 2
Sáng 19-4, tại bờ tỉnh Tiền Giang, sau gần 25 tháng thi công, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lễ hợp long cầu Rạch Miễu 2.
Cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, nằm cách cầu Rạch Miễu hiện tại khoảng 4 km về phía thượng lưu sông Tiền. Công trình có tổng chiều dài hơn 17,6km.
Cầu Rạch Miễu 2 có có 4 làn xe cơ giới với bề rộng toàn cầu là 21,5m, vận tốc thiết kế là 80 km/h, toàn cầu có 112 bó cáp dây văng
Dự án có tổng mức đầu tư là 6.810,11 tỉ đồng, khởi công từ tháng 3-2022.
Clip: Minh Sơn

Ảnh: Minh Sơn



Cà Mau: Khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau
Sáng 19-4, tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã diễn ra lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh với tổng mức đầu tư 3.302 tỉ đồng.
Đây là dự án nhóm A do Ban Quản lý Dự án công trình Xây dựng tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, địa điểm xây dựng tại phường 6, TP Cà Mau.
Dự án khi hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân mà còn hướng đến giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.


Khung cảnh buổi lễ. Ảnh: Vân Du
TP HCM: Khởi công Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ

Ảnh: Hoàng Triều
Quảng Bình: Khởi công dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới
Dự án Nhà ga hành khách T2 là một phần trong tổng thể dự án "Xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Đồng Hới".
Đây là dự án nhóm B - do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, sử dụng 100% vốn ACV, với tổng mức đầu tư 1.750 tỉ đồng.
Nhà ga T2 sẽ được xây dựng trên diện tích gần 12.000m², bao gồm hai tầng nổi và một tầng lửng, với thiết kế cao trình đi - đến tách biệt, tạo sự thông thoáng và thuận tiện trong lưu thông.
Công trình được quy hoạch để phục vụ 3 triệu hành khách/năm ngay sau khi đi vào hoạt động, với năng lực giờ cao điểm đạt 1.200 hành khách/giờ.
Đáng chú ý, công trình được thiết kế theo định hướng mở rộng trong tương lai, với khả năng nâng công suất lên đến 5 triệu hành khách/năm sau năm 2030, phù hợp với quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Đồng Hới và quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc đến năm 2050.

Ảnh phối cảnh nhà ga hành khách T2. Ảnh: Hoàng Phúc



Ngày 19-4, TP HCM và hàng loạt tỉnh thành trên cả nước sẽ khánh thành, khởi công nhiều dự án, công trình để chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Các sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Báo Người Lao Động Online tường thuật trực tuyến Lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia tại nhiều điểm cầu gồm: TP HCM, Quảng Bình, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau...
Theo báo cáo của 9 bộ, cơ quan ngang bộ và 51 tỉnh, thành phố, tổng số dự án, công trình đăng ký khởi công, khánh thành, thông xe kỹ thuật… là 85 công trình, dự án.
TP HCM đã chọn 6 công trình biểu tượng, trong đó 4 dự án tổ chức khánh thành và 2 dự án tổ chức khởi công.
Bốn dự án được tổ chức khánh thành bao gồm: nhà ga hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; tuyến đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; công trình xây dựng mới Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn.
Hai dự án được tổ chức khởi công gồm: Dự án đầu tư xây dựng hạng mục lấn biển thuộc Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ; tuyến đường Vành đai 2 – TP HCM với hai dự án thành phần: đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng.
Hướng di chuyển đến nhà ga T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thực hiện: CHI PHAN