Việt Nam ghi nhận một loạt chỉ số ngang ngửa với Thái Lan, thậm chí có chỉ số vượt cả Trung Quốc

Admin
Mới đây, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (LKYSPP) vừa công bố một báo cáo nghiên cứu với tiêu đề "Tận dụng 5G để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi do AI dẫn dắt tại ASEAN: Những bắt buộc, góc nhìn chính sách và khuyến nghị".

Theo đó, nghiên cứu đã chỉ rõ cách ASEAN có thể tận dụng sự hội tụ giữa 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang tính chuyển đổi.

Theo báo cáo, mạng 5G riêng tư (private 5G) là yếu tố then chốt trong công cuộc chuyển đổi công nghiệp 4.0, trong khi truy cập không dây cố định (FWA) là giải pháp hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách kết nối tại các khu vực khó tiếp cận. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc triển khai 5G hiện tại chính là nền móng cho sự phát triển của 6G vào năm 2030, vì thế các quyết định chiến lược hiện nay sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới năng lực cạnh tranh trong tương lai.

ASEAN đang đứng trước một cơ hội to lớn khi nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ riêng công nghệ 5G đã được kỳ vọng đóng góp tới 130 tỷ USD cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2030. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng 5G vẫn còn chênh lệch lớn trong khu vực – từ 48,3% tại Singapore cho đến dưới 1% tại một số quốc gia thành viên ASEAN. Nếu không có hành động phối hợp kịp thời, những chênh lệch này có thể làm sâu sắc thêm khoảng cách số và làm suy yếu năng lực cạnh tranh khu vực, khiến ASEAN bị tụt lại phía sau trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu.

“Sự hội tụ giữa 5G và AI chính là hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các lĩnh vực như sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, và giao thông tự hành. Nhưng ASEAN không thể chần chừ. Cánh cửa để khẳng định vai trò dẫn đầu khu vực trong kết nối thông minh đang nhanh chóng khép lại”, Giáo sư Vũ Minh Khương từ LKYSPP chia sẻ.

“Báo cáo của chúng tôi cung cấp một bản thiết kế cho các nhà hoạch định chính sách ASEAN nhằm định hướng sự tích hợp giữa 5G và AI – và giờ đây là lúc hành động dứt khoát. Những chiến lược phối hợp để thúc đẩy vai trò lãnh đạo khu vực trong việc kết nối thông minh phải được thiết lập để giúp khu vực vượt lên khỏi các bước cải tiến nhỏ lẻ, hướng tới vai trò lãnh đạo số mang tính chuyển đổi”, vị giáo sư cho biết thêm.

Việt Nam ghi nhận một loạt chỉ số ngang ngửa với Thái Lan, thậm chí có chỉ số vượt cả Trung Quốc- Ảnh 1.

Ông Vũ Minh Khương, Giáo sư thực hành tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore

Việt Nam nằm trong nhóm có mức độ tự tin cao nhất về triển vọng 5G

Dựa trên các cuộc phỏng vấn chuyên sâu và khảo sát với hơn 400 chuyên gia đến từ 8 quốc gia ASEAN, nghiên cứu của LKYSPP nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần được đặt làm trung tâm trong việc thúc đẩy tác động kinh tế của 5G. Trong khu vực đã có một số mô hình thành công tiêu biểu: cảng thông minh sử dụng 5G tại Singapore giúp giảm độ trễ tới 50%; Thái Lan triển khai hệ thống quản lý thiên tai tích hợp AI; Malaysia đạt tỷ lệ phủ sóng dân số tới 82% nhờ mô hình mạng viễn thông chia sẻ.

Theo Giáo sư Vũ Minh Khương, sự kết hợp giữa 5G và AI tạo nên hiệu ứng cộng hưởng đặc biệt mạnh mẽ, có khả năng thúc đẩy chuyển đổi trong các lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, y tế, giáo dục và logistics.

Đáng chú ý, đối với Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, Việt Nam bắt đầu thương mại hóa 5G vào tháng 10/2024. Trong khi nhiều quốc gia ASEAN đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng và chiến lược triển khai 5G, Việt Nam nổi lên với một số điểm nhấn đặc biệt.

Trước hết, Việt Nam nằm trong nhóm có mức độ tự tin cao nhất về triển vọng 5G, ngang với Malaysia và Thái Lan (mức đánh giá khoảng 4,1 điểm, cao hơn mức trung bình ASEAN). Việt Nam áp dụng chiến lược “Smart Follower”, ưu tiên tiếp nhận công nghệ kịp thời nhưng đồng thời đẩy mạnh mở rộng nhanh, với việc đã thương mại hóa 5G từ tháng 10/2024 và đặt mục tiêu phủ sóng hơn 99% vào năm 2030.

“Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu kinh tế đáng chú ý thông qua cách tiếp cận chiến lược của mình đối với 5G và AI. Với chiến lược “Theo sau thông minh”, thay vì chạy đua làm người tiên phong, Việt Nam đang áp dụng chiến lược theo sau thông minh, tận dụng chi phí cơ sở hạ tầng giảm, tiêu chuẩn công nghệ hoàn thiện và bài học từ những quốc gia đi trước”,  Giáo sư Vũ Minh Khương cho hay.

Cách tiếp cận này cho phép Việt Nam triển khai 5G một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn, đặc biệt ở các khu vực ưu tiên như khu công nghệ cao, cảng, khu công nghiệp… giúp tối ưu hóa nguồn lực và định hướng đầu tư vào những lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng công nghệ toàn cầu, tính trung lập địa chính trị là một lợi thế của Việt Nam, giúp thu hút đầu tư toàn cầu vào sản xuất bán dẫn, cơ sở hạ tầng viễn thông và đổi mới AI.

Việc thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao này là một minh chứng rõ ràng cho thành tựu kinh tế mà Việt Nam đang đạt được, củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Ngoài ra, so với các nước khác, Việt Nam không chỉ nhanh chóng thương mại hóa mà còn ghi dấu ấn nhờ khả năng tích hợp AI vào quy hoạch đô thị, dịch vụ công và nông nghiệp, tạo động lực tăng tốc. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đã phát triển năng lực nội địa như hợp tác Nokia sản xuất thiết bị 5G, đồng thời Viettel triển khai mạng 5G O‑RAN tiên phong toàn cầu.

Bên cạnh đó, chỉ số an ninh mạng (94,6%) và chỉ số nội dung – dịch vụ số (76,8%) của Việt Nam đều vượt mức trung bình ASEAN và thậm chí cao hơn cả Trung Quốc . Những yếu tố này cho thấy Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn đang tạo lợi thế cạnh tranh riêng trong cuộc đua 5G của ASEAN, mở ra kỳ vọng về một động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế số trong thập kỷ tới.

Nhìn chung, dù 5G và AI vẫn đang trong giai đoạn phát triển và mở rộng, Việt Nam đã cho thấy khả năng khai thác các công nghệ này không chỉ để đạt được tốc độ kết nối mà còn để tạo ra giá trị chiến lược.