Conic Boulevard

Mua nhà ở xã hội: Từ khổ ải đợi chờ đến kiếp nạn 'cò mồi'

Admin
Chờ đợi mấy năm mới có các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội khởi công nhiều trở lại. Đến thời điểm này, các dự án nhà ở xã hội đang triển khai chưa chính thức mở bán nhưng hàng nghìn người dân xếp hàng làm hồ sơ trước và hành trình làm hồ sơ chờ mua nhà cũng đầy khổ ải. Không ít người phải mất thêm chi phí cho "cò" làm hồ sơ...

Trần ai làm thủ tục hồ sơ mua nhà

Chị Nguyễn Kim (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Cách đây 2 năm tôi từng làm hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng không làm được vì vướng quy định có hộ khẩu Hà Nội mới đủ điều kiện mua. Nay tôi thấy có dự án chuẩn bị mở bán tại Long Biên mà không yêu cầu phải có hộ khẩu nên quyết lần nữa đi làm lại hồ sơ”.

Mua nhà ở xã hội: Từ khổ ải đợi chờ đến kiếp nạn 'cò mồi'- Ảnh 1.

Người dân chờ xếp hàng nộp giấy xin xác nhận tình trạng nhà ở tại Văn phòng Đăng ký đất đai quận Long Biên (ảnh: Ngọc Mai).

Chị Kim cho biết, sau 2 lần đến Văn phòng Đăng ký đất đai quận Long Biên và mỗi lần cách nhau 20 ngày tôi cũng nộp được giấy xin xác nhận chưa có nhà ở trên địa bàn Hà Nội. “Mỗi lần đến luôn có hàng trăm người dân cũng chờ nộp giấy. Theo thứ tự, tôi xếp thứ gần 2.000 người chờ lấy kết quả và tôi phải đến cuối tháng 6 tôi mới có giấy này”, chị Kim nói.

Đây là một trong những giấy tờ theo điều kiện mua nhà ở xã hội . Ngoài ra, chị Kim còn phải hoàn thành các giấy tờ khác là xác nhận đối tượng và thu nhập .

“Cứ tưởng việc xác minh nhà ở khó nhất nhưng đến việc xác minh thu nhập còn khó hơn vì bản thân tôi là lao động tự do nên không nơi nào chịu xác nhận”, chị Kim cho hay.

Theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, người dân muốn mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện chưa sở hữu nhà ở tại nơi có dự án và thu nhập hộ gia đình không quá 30 triệu đồng/tháng. Nhưng thủ tục xác nhận thu nhập lại đang là trở ngại lớn, đặc biệt với lao động tự do.

Thực tế cho thấy không chỉ người dân gặp khó, ngay cả chính quyền địa phương, nơi chịu trách nhiệm thẩm định và xác nhận hồ sơ cũng gặp hàng loạt thách thức trong công tác này.

Lãnh đạo phường Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội), cho biết trên địa bàn phường có một số dự án nhà ở xã hội tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Nhiều người dân có nhu cầu đã đến UBND phường xin xác nhận thu nhập thấp. Nhưng đến thời điểm hiện tại, phường vẫn chưa thể giải quyết các đơn xin xác nhận này do không có cơ sở để xác nhận cho công dân.

Mua nhà ở xã hội: Từ khổ ải đợi chờ đến kiếp nạn 'cò mồi'- Ảnh 2.

Người dân đăng ký chờ ngày làm thủ tục hồ sơ nhà ở xã hội (ảnh: Ngọc Mai).

Đặc biệt, đối với lao động tự do, việc xác minh càng khó khăn hơn vì người dân không kê khai thuế thu nhập cá nhân và không tham gia bảo hiểm, dẫn đến việc phường không có căn cứ để xác nhận.

Nhiều người như lạc vào ma trận không biết làm hồ sơ ra sao nên tin tưởng vào các đối tượng "cò mồi" hồ sơ trên mạng.

Chị Nguyễn Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) mất đến 18 triệu đồng chỉ để cho cò "chạy" hồ sơ cho mình. "Tôi chưa bao giờ làm hồ sơ nhà ở xã hội nên không biết bắt đầu từ đâu. Tôi vào các trang mạng xã hội thấy có người nhận làm và làm rất thông thạo nên đồng ý mất tiền", chị Thu nói.

Liên hệ theo số điện thoại trên các trang mạng xã hội, phóng viên được môi giới hỏi kỹ càng về điều kiện thu nhập, đã có hợp đồng lao động hay chưa. Nếu chưa có đủ các giấy tờ, bên môi giới vẫn nhận dịch vụ làm đủ, đẹp hồ sơ với giá từ 10 - 20 triệu đồng.

Dù Sở Xây dựng Hà Nội chưa đăng thông tin nhận hồ sơ của các chủ đầu tư dự án nhưng môi giới lại tự đặt ra một mốc riêng. Môi giới cũng yêu cầu số tiền nhận làm dịch vụ hồ sơ phải được nộp ngay.

Theo đại diện Công ty BIC Việt Nam, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Long Biên, chủ đầu tư đã đăng công khai trên trang thông tin của công ty hướng dẫn người dân làm hồ sơ nhưng nhiều người không tìm hiểu vẫn làm qua "cò" để mất tiền oan.

Đại diện Công ty UDIC, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Hạ Đình cũng phải khuyến cáo đến người mua nhà phải cảnh giác với các thông tin không chính thống.

Trường hợp người mua nhà có mong muốn thì nên tìm hiểu các thông tin chính thức từ phía chủ đầu tư hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra không nên tìm hiểu ở một thông tin địa chỉ hoặc sàn nào.

Bất cập quy định về thu nhập

Anh Nguyễn Long (Cầu Giấy, Hà Nội) và vợ có thu nhập tổng 31 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này vượt điều kiện quy định mua nhà ở xã hội. Thế nhưng anh Long cho biết: “Vợ chồng tôi vẫn ở nhà thuê, chi phí sinh hoạt gia đình và 1 con nhỏ chiếm gần hết thu nhập. Với mức lương này, tôi thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân, tuy rất ít nhưng vẫn là có đóng. Như vậy, tất nhiên tôi không còn thuộc đối tượng được phép mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành. Thế nhưng, với thu nhập đó, tôi cũng không đủ khả năng để mua nhà thương mại ở mức giá cao hơn. Vì thế, cơ hội mua nhà của gia đình tôi sẽ ngày càng trở nên thấp hơn khi tuổi cao lên hoặc xảy ra biến cố như ốm đau, bệnh tật".

Việc sở hữu một căn nhà ở xã hội ở Hà Nội hiện nay nằm ngoài tầm với của nhiều người lao động. Giá mở bán nhà ở xã hội ở Hà Nội đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm, song điều kiện mua đã lỗi thời như từ 10 - 15 triệu đồng/m2 lên 21 - 25 triệu đồng/m2. Trong khi giá nhà ở đã qua sử dụng tăng lên tới 60 - 65 triệu đồng/m2

Trong khi đó, cách xác định "người thu nhập thấp" các thành phố lớn dưới 30 triệu đồng cho 1 gia đình là quá lỗi thời, không phù hợp thực tế.

Ngoài ra hồ sơ giấy tờ rất phức tạp nên người lao động hầu như không thể tiếp cận. Trong khi đó, người có thu nhập tốt hơn, đủ khả năng kinh tế, lại không thỏa mãn điều kiện mua nhà ở xã hội.

Hiện, Hà Nội có 4 dự án nhà ở xã hội đã khởi công như dự án Thượng Thanh (Long Biên), Nguyễn Xiển (Thanh Trì, Hà Nội) và 2 dự án tại Đông Anh. Các dự án đều có kế hoạch mở bán trong năm nay. Hiện, nhà ở xã hội sắp triển khai chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của người dân Hà Nội.